432
category
216529

Vạch trần thủ đoạn sử dụng công nghệ cao đánh bạc xuyên biên giới

01/08/2019 17:59

Những ngày cuối tháng 7, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hải Phòng triệt phá thành công nhóm đối tượng người Trung Quốc hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Đây là vụ án có số lượng đối tượng người nước ngoài và số tiền đánh bạc, cá cược trên mạng lớn nhất từ trước đến nay được triệt phá tại Việt Nam. Ổ nhóm gồm hơn 380 người Trung Quốc, với số tiền đã giao dịch trên hệ thống mạng đánh bạc là hơn 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng Việt Nam)…

Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng người nước ngoài lợi dụng lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao và những bài học đặt ra trong công tác phòng ngừa, quản lý địa bàn trong thời gian tới.

Khám xét nơi diễn ra hoạt động phạm tội tại khu đô thị Our City.

Sử dụng vỏ bọc công ty nước ngoài để hoạt động phạm tội

Đây là tổ chức tội phạm người nước ngoài có phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, thực hiện trên không gian mạng được phát hiện tại Việt Nam. Vào thời điểm bắt quả tang, cơ quan Công an thu giữ một lượng tang vật “khủng” với gần 2.000 điện thoại di động thông minh, 533 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt, cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án.

Dưới vỏ bọc của một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các đối tượng tổ chức đánh bạc trong khu đô thị sang trọng. Đối tượng thực hiện đều là người Trung Quốc, có tuổi đời rất trẻ, khoảng từ 18 đến 24 tuổi, thường nhập cảnh vào Việt Nam bằng con đường du lịch…

Trong quá trình làm việc tại đây, các đối tượng được trả lương mỗi tháng khoảng 3.000 nhân dân tệ, tương đương 100 triệu đồng Việt Nam. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, họ lợi dụng kẽ hở là sự kiểm tra, giám sát còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ của lực lượng chức năng để tiến hành các hoạt động phạm tội.

Hoạt động đánh bạc được các đối tượng tiến hành 24/7 và chia ca để thực hiện. Trong thời gian này “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, việc ăn ở và sinh hoạt của các đối tượng đều được tiến hành khép kín trong các căn biệt thự thiết kế kín đáo.

Đó chỉ là một trong những nhóm tội phạm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được phát hiện trong thời gian qua. Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên cùng với đó, các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao người nước ngoài cũng lợi dụng chính sách mở cửa để trà trộn, nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch nhưng trên thực tế để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Khu đô thị Our City.

Phân tích lý do trên, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Mục đích hoạt động của các đối tượng này tại Việt Nam thường là để trốn tránh sự điều tra, xử lý của cảnh sát các nước sở tại. Đồng thời, lợi dụng hạ tầng công nghệ thông tin, Internet ngày càng hoàn thiện với giá rẻ tại việt Nam và sự giám sát, kiểm tra còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ của lực lượng chức năng… để thực hiện hành vi phạm tội.

Thời gian qua, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý một số vụ án triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm hoạt động xuyên quốc gia. Qua các vụ việc được phát hiện, triệt phá cho thấy đối tượng vi phạm phần lớn đến từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.

Cùng với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, công an các địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng đã chủ động bắt giữ một số ổ nhóm phạm tội dạng này nhưng tình hình tội phạm vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn.

Trước đó, vào ngày 19-12-2018, Bộ Công an bắt 22 đối tượng, thu giữ 347 điện thoại thông minh, 42 máy tính, hơn 666 triệu đồng… Các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động theo kiểu băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Tháng 4-2019, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị địa phương xác minh, làm rõ hoạt động của 113 đối tượng người Trung Quốc có dấu hiệu sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trong vụ án này, đối tượng Hai Gang giữ vai trò là trưởng nhóm tại Quảng Ninh, có trách nhiệm phân chia công việc cho các đối tượng còn lại trong ổ nhóm. Các đối tượng còn lại có nhiệm vụ quản trị, điều hành các ứng dụng trò chơi bạc trực tuyến, thực hiện phần việc marketing, quảng bá trò chơi đến đông đảo người Trung Quốc, mục đích mời chào, lôi kéo nhiều người tham gia các trò chơi đánh bạc trực tuyến.

Các đối tượng vận hành các ứng dụng trực tuyến Reddragon, All in… là các phần mềm dùng để tổ chức đánh bạc trực tuyến do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu điều hành. Trong đường dây này, con bạc tham gia chủ yếu là người Trung Quốc.

Qua phân loại và căn cứ các tài liệu thu thập được, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt hành chính 113 đối tượng về hành vi “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”.

Những khó khăn trong công tác xử lý

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm người nước ngoài hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, tội phạm người nước ngoài tập trung vào 4 loại hình gồm: Lừa đảo qua mạng, tổ chức đánh bạc qua mạng, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và tổ chức lắp đặt thiết bị skimming hoặc làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền tại ATM.

Phương thức và thủ đoạn hoạt động của từng lĩnh vực rất tinh vi, với nhiều phương thức khác nhau, để triệt phá các đường dây tội phạm hoạt động xuyên quốc gia trên, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng các đơn vị chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, đặc thù của tội phạm công nghệ cao là phải kiểm tra, bắt quả tang đối tượng khi đang thực hiện hành vi phạm tội. Vì thế, việc tính toán các biện pháp nghiệp vụ phải được tiến hành vào thời điểm nhóm đối tượng đang hoạt động, thiết bị phương tiện đang online…

Với số lượng đối tượng tham gia đông, địa điểm đánh bạc thường ở những khu chung cư, biệt thự cao cấp nên việc theo dõi phải mất trong một thời gian dài. Quá trình phá án phải đảm bảo kế hoạch được xây dựng một cách tỉ mỉ, chi tiết để đồng loạt kiểm tra, khống chế kịp thời, các đối tượng không kịp xóa dữ liệu.

danhq123
Tang vật thu giữ từ vụ án.

Trở lại vụ đánh bạc tại Hải Phòng. Quá trình theo dõi, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an thành phố Hải Phòng đã phát hiện những dấu hiệu bất minh tại khu đô thị này. Khu đô thị này phần lớn chỉ có người nước ngoài sinh sống… Trường hợp là người lạ, muốn vào được bên trong thì phải sự đồng ý của ban quản lý, luôn cắt cử người theo dõi để đề phòng sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Để nắm bắt được hoạt động của các đối tượng trong đường dây này, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và công an địa phương đã tốn không ít công sức. Cùng với việc trinh sát, nắm tình hình địa điểm nghi vấn, là xác định các thông tin như sơ đồ, địa điểm các đối tượng cư trú… Từ đó, xác định sơ bộ số lượng người cư trú, thời gian cư trú, người môi giới, người phục vụ cũng như việc đăng ký tạm trú, khai báo của người nước ngoài để bắt giữ đảm bảo an toàn.

Quá trình theo dõi, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an Hải Phòng xác định tại khu vực này có một số đối tượng người Trung Quốc, sử dụng thiết bị công nghệ cao để tổ chức đánh bạc xuyên biên giới với các hình thức cá cược thể thao, dự đoán kết quả xổ số, lô đề.

Tại tầng 2 và 3 của tòa nhà trung tâm, các đối tượng đặt khoảng 20 máy chủ. Những máy tính còn lại được đặt rải rác trong hàng trăm phòng của các tòa nhà khác. Nhiều tháng ròng theo dõi, hai đơn vị nghiệp vụ đã nắm bắt được phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng gây án và tiến hành bắt giữ. Quá trình phá án đã đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Cũng theo đại diện Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì các nhóm đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động phạm tội phổ biến nhất là công dân của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là thuê địa điểm biệt lập khép kín (biệt thự, chung cư cao cấp) hoặc căn nhà ở các khu độ thị mới, nơi ít người để ý, khó quan sát. Trước nhà hoặc căn hộ thường lắp camera giám sát, cửa ra vào và cửa sổ thường xuyên đóng kín, che rèm để tránh sự quan sát của người xung quanh.

Tại các khu du lịch, các thành phố lớn, các đối tượng trà trộn vào các khu vực người nước ngoài cư trú, làm việc để tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng. Trong trường hợp này, các đối tượng thường chỉ khai báo tạm trú đối với một vài thành viên. Các đối tượng khác khi nhập cảnh thường khai báo tạm trú tại khách sạn.

Sau đó, di chuyển về địa điểm hoạt động mà không khai báo tạm trú với chính quyền địa phương nhằm tránh bị để ý, giám sát. Trong đó, các đối tượng người Trung Quốc ăn ở, sinh hoạt tập trung đông người, khép kín, tự phục vụ ăn uống vệ sinh hoặc chỉ thuê người dọn dẹp vệ sinh, người nấu ăn nhưng hạn chế họ tiếp xúc với khu làm việc.

Quá trình hoạt động, đối tượng ít ra ngoài, ít tiếp xúc với người xung quanh. Đối tượng tự lắp đặt thiết bị hoặc thông qua chủ nhà, người môi giới để ký hợp đồng lắp nhiều đường truyền Internet tốc độ cao, thường là các gói cước dùng cho doanh nghiệp. Quá trình hoạt động, các đối tượng chỉ làm việc trên máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử, chia ca hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Thời gian qua, các vụ án Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với các đơn vị địa phương, có sự tham gia của Cục Đối ngoại và các cơ quan thực thi pháp luật phù hợp với nước ngoài đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Song, với những lý do như đã phân tích ở trên, các đối tượng vẫn tiếp tục biến Việt Nam thành mảnh đất màu mỡ để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội khiến tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.

Hiện nay, sau khi bắt giữ, cơ quan chức năng đang tiến hành xử lí theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xác định có sự tham gia giúp sức hoặc người bị hại là người Việt Nam thì căn cứ vào mức độ, vai trò tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ tách ra, giao cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Với các đối tượng là người nước ngoài thì các đơn vị sẽ trao đổi thông tin, tài liệu với cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài tại Việt Nam có thẩm quyền, trao đổi thông tin về hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao của nhóm đối tượng để xử lí.

Để chủ động trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng công nghệ cao phạm tội, ngoài sự vào cuộc của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì vai trò của chính quyền các địa phương mà nòng cốt là công an các cơ sở là rất quan trọng. Các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra địa bàn. Các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn thì phải tổ chức nắm bắt thông tin…

Bên cạnh đó phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm. Từ đó, kịp thời ngăn chặn tội phạm nước ngoài hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam.

(Theo An Ninh Thế Giới)

Đọc nhiều