Vạch trần âm mưu vu vạ đầu tư công là tham nhũng để công kích Chính phủ
Tại cuộc họp cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một số vấn đề cần suy nghĩ, trong đó có việc các dự án công – tư có chi phí rẻ hơn dự án đầu tư công. Lập tức Hội Anh em dân chủ đăng bài “dạy khôn”, cho rằng đó là vì tham nhũng và còn bôi nhọ cá nhân Thủ tướng.
Cụ thể, trong cuộc họp Thủ tướng nêu vấn đề là các dự án hợp tác công tư (PPP) có bình quân đơn giá không quá 150 tỉ đồng mỗi km đường nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỉ đồng và yêu cầu cần nghiên cứu rõ. Thực chất thì đây không phải là một vấn đề dễ giải quyết. Vì sao không thể thực hiện giải pháp đơn giản nhất là không đầu tư công mà chuyển hết thành PPP? Đơn giản bởi vì tư nhân chỉ chọn những dự án có lợi, dễ hoàn vốn, hiệu quả kinh tế cao, còn các dự án “xương xẩu” thì Nhà nước phải đứng ra làm. Điều này cũng thể hiện đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ưu việt mà nước ta đang áp dụng. Nếu hoàn toàn là kinh tế thị trường, chỉ quan tâm lợi nhuận thì chắc sẽ không bao giờ có những công trình giao thông đến được với những khu vực xa xôi của Tổ quốc, những nơi kém phát triển và ít hứa hẹn về triển vọng hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Vấn đề mà Thủ tướng nêu ra cũng thể hiện cách làm việc công khai, minh bạch của Chính phủ trước mọi vấn đề. Trong nhiều kỳ họp Quốc hội, các Đại biểu từng thảo luận sôi nổi về việc công trình giao cho tư nhân làm thì nhanh và hiệu quả hơn Nhà nước. Lý do được chỉ ra là các dự án đầu tư sử dụng ngân sách công cần nhiều quy trình thủ tục để phê duyệt, rà soát, nếu có vướng mắc điều chỉnh lại phải xin phép rồi phê duyệt lại theo đúng trình tự quy định. Trong khi đó với dự án tư nhân thì mọi thứ đều quyết rất nhanh, thay đổi rất nhanh và như đã nói ở trên, dự án nào có thể hiệu quả thì họ mới làm. Dự án càng phức tạp thì càng nảy sinh nhiều vấn đề, do đó các dự án đầu tư công dễ bị chậm trễ, đội vốn do chậm tiến độ và nhiều nguyên nhân khác.
Cùng với việc công khai, minh bạch về các dự án và không giấu diếm ưu nhược điểm của khối kinh tế tư nhân, Việt Nam cũng đã có rất nhiều nỗ lực. Sau hơn 30 năm Đổi mới, đến tháng 6/2017, lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tỷ lệ tán thành cao. Đây là những giải pháp để thu hút nhiều hơn sự tham gia của khối kinh tế tư nhân vào các dự án, và Nhà nước sẽ chỉ tham gia những lĩnh vực mà tư nhân không làm.
Có quá nhiều lý do để giải thích cho vấn đề mà Thủ tướng nêu ra, nhưng với các đối tượng “dân chủ”, chọc ngoáy thì lời giải thích lúc nào cũng chỉ có một là “tham nhũng”. Họ không có hiểu biết tối thiểu về sự khó khăn của việc đầu tư các dự án, nhưng có thừa “kiến thức” về sự tham lam tiền bạc. Chúng ta không lạ gì việc họ nhận tiền từ các thế lực chính trị hải ngoại để hàng ngày múa bút, ăn không nói có, vẽ ra đủ thứ xấu xa để xuyên tạc tình hình đất nước. Họ nhận tiền để biểu tình gây rối, để chửi rủa, và thậm chí nhiều lần người ta chứng kiến các nhà “dân chủ” này “bóc phốt”, tranh giành nhau để chiếm phần hơn.
Với bình luận vô trách nhiệm, tư duy hiểu biết bằng không và lời lẽ tấn công Thủ tướng không thể chấp nhận được, Hội Anh em Dân chủ đã bị lột trần bản chất. Có lẽ họ nên nhìn lại mình trước khi buông ra những lời lẽ ngông cuồng để xuyên tạc và chống phá đất nước.
An Diễm