Vạch trần âm mưu chính trị đen tối phía sau tấm áo “giám sát và phản biện xã hội”
Vừa qua, những kẻ thường xuyên lợi dụng quyền tự do ngôn luận như Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang đã “nhập kho” vào ngày 20/4 vừa qua. Ngay sau đó, trang VOA Tiếng Việt, RFA Tiếng Việt và một số đối tượng như Nguyễn Lân Thắng, Lê Nguyễn Hương Trà đã nhanh chóng đồng loạt đăng tải cái gọi là bài ca “giấc mơ báo chí tự do tan vỡ”.
Như đã biết, Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang là những thành viên “nòng cốt” của nhóm “Báo sạch”. Mở miệng là đấu tranh vì công lý, nhưng thực chất là những con đĩa hút máu doanh nghiệp, đi tìm kiếm sai phạm, sơ hở của doanh nghiệp để viết bài “đếm tầng” và ký “hợp đồng truyền thông” thông qua công ty TNHH TT Focus do Nguyễn Thanh Nhã làm đại diện pháp luật.
Đáng chú ý, khi có tiếng có miếng rồi, nhóm “Báo sạch” coi trời bằng vung, xem thường pháp luật Việt Nam. Họ nhân danh “giám sát xã hội” tập trung vào đánh các “BOT”, nhằm gây tiếng vang, tạo uy thế để từ đó lôi kéo dư luận phục vụ mục đích chính trị cá nhân của mình. Đặc biệt, trước thềm đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, nhóm “Báo sạch” còn tự khoác lên mình tấm áo “phản biện xã hội”, liên tục viết bài với nội dung suy diễn, xuyên tạc việc cơ quan chức năng địa phương này khởi tố, bắt tạm giam đối tượng vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, họ còn mở một chiến dịch thông tin, liên tục bóp méo, nói xấu chính quyền, xuyên tạc ngành giáo dục và đại hội đảng các cấp.
Đồng ý, chúng ta có chủ trương “cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện” nhưng đừng đánh đồng giữa việc phản biện cái sai, phân tích phản biện, trên hết là phản biện để xây dựng góp ý tích cực sửa chữa, hoàn thiện chứ không phải lợi dụng phản biện để thực hiện hành vi đơm đặt, xuyên tạc, kích động lòng dân. “Giám sát xã hội” khác với việc vạch lá tìm sâu, đổ dầu vào lửa. “Phản biện xã hội” cũng khác kiểu ăn không nói có, đi ngược bản chất vấn đề như “Báo sạch”. Xâu chuỗi tất cả hành vi của nhóm “Báo sạch” trước đây thì chúng ta chỉ thấy đậm màu chống phá, gây rối loạn chứ chẳng hề có đóng góp hay xây dựng tốt cả. Thế nên chẳng có gì phải bất ngờ trước việc cơ quan chức năng bắt giữ 3 thành viên “nòng cốt” của nhóm, đặc biệt là sau khi đàn anh của nhóm là Trương Châu Hữu Danh đã vào tù bóc lịch từ tháng 12/2020.
Nước ta luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng phải hiểu “tự do” ở đây là tự do nói và làm điều đúng, tuân thủ pháp luật nhà nước. Việc khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang chính là hệ quả tất yếu của cả quá trình nỗ lực điều tra, thu thập đủ bằng chứng trong nhiều tháng trời.VOA Tiếng Việt, RFA Tiếng Việt, Nguyễn Lân Thắng, Lê Nguyễn Hương Trà vẽ ra luận điệu “giấc mơ báo chí tự do tan vỡ” hay một lần nữa khoác lên cho nhóm “Báo sạch” tấm áo “giám sát và phản biện xã hội” không đơn thuần chỉ muốn chạy tội cho 3 thành viên nhóm “Báo sạch” mà chúng còn muốn “chính trị hóa” vụ việc bắt giữ, xuyên tạc công tác điều tra của cơ quan chức năng. Đặc biêt, họ còn muốn lợi dụng việc bắt giữ này hòng vu cáo chính quyền không cầu thị, vi phạm nhân quyền khi bắt người “giám sát và phản biện xã hội”, kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, muốn các tổ chức có cái nhìn méo mó về nền tư pháp của Việt Nam, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặng Trường