127982
category
572132

Vaccine gì cho mũi tăng cường?

08/12/2021 09:46

Chuẩn bị tiêm vaccine mũi 3 tăng cường cho người dân. Câu hỏi đặt ra là tiêm loại vaccine nào tốt nhất? TS Nam Trung nêu ý kiến.

Tiem vaccine tang cuong anh 2
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Khi phần lớn người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 thì đã tới lúc chúng ta phải tính tới tiêm mũi tăng cường. Một số nghiên cứu cho thấy miễn dịch do vaccine tạo ra bị suy giảm sau một thời gian. Bên cạnh đó, do chủng Delta cũng như Omicron mới đây, việc tăng cường cho hệ miễn dịch thêm sức mạnh chống chọi lại các chủng mới là cần thiết. Ở những người có hệ miễn dịch suy yếu do tự nhiên (tuổi tác), bệnh hay điều trị bệnh thì điều này lại càng quan trọng.

Bộ Y tế gọi là mũi bổ sung (có thể tiêm sau mũi cơ bản ít nhất 28 ngày) và mũi nhắc lại (tiêm sau mũi cơ bản ít nhất 6 tháng). Bản chất của mũi tiếp theo này dù ở khoảng cách nào đều là giúp tăng cường miễn dịch, chống lại Covid-19.

Thứ tự nhóm ưu tiên cho mũi tăng cường

Theo tiêu chí phải bảo vệ nhóm nguy cơ cao trước, chúng ta phải ưu tiên đầu tiên mũi tăng cường cho người cao tuổi (tuổi cao xuống thấp: >75 tuổi trước tới 65-74 tuổi, 60-64 tuổi, 50-59 tuổi) và người có bệnh nền, đặc biệt bệnh gây suy giảm miễn dịch (SGMD) hoặc điều trị làm SGMD.

Vào tháng 10, WHO cũng khuyến cáo những người SGMD phải được tiêm thêm một mũi cơ bản. Ví dụ, với một loại vaccine cụ thể, người khỏe mạnh được tiêm 2 mũi cơ bản thì trường hợp SGMD là 3 mũi cơ bản. Do đó, mũi tăng cường của họ sẽ là mũi thứ 4 (hoặc 5, tùy vào loại vaccine).

Bộ Y tế không nói gì tới các ưu tiên khác. Theo tôi, yếu tố ưu tiên tiếp theo nên dựa vào loại vaccine dùng cho mũi cơ bản. Cụ thể, vaccine Sinopharm (Vero Cell, Hayat-vax) đã được biết là có hiệu lực giảm nhiễm và giảm bệnh nặng kém hơn các vaccine khác một chút, đặc biệt ở người cao tuổi.

Do vậy, trong cùng một độ tuổi, người tiêm mũi cơ bản bằng vaccine Sinopharm nên được ưu tiên mũi tăng cường cao hơn người tiêm mũi cơ bản bằng các vaccine khác.

Mũi tăng cường cũng nên ưu tiên cho vùng nào đang có nguy cơ cao trước.

Vaccine gì cho mũi tăng cường?

Bộ Y tế cũng hướng dẫn có thể tiêm mũi tăng cường cùng loại với mũi cơ bản hoặc dùng vaccine mRNA (Pfizer hoặc Moderna). Đã có nhiều bằng chứng tiêm trộn các loại vaccine tạo kháng thể tốt hơn là tiêm cùng loại, do đó, tôi nghĩ nên ưu tiên tiêm trộn loại cho mũi tăng cường.

Tiêm trộn còn làm tăng mức độ linh hoạt trong sử dụng vaccine và giúp giảm lãng phí vaccine.

Trong một nghiên cứu gần đây ở Anh đăng trên tạp chí Lancet cho thấy với những người tiêm đủ 2 mũi cơ bản bằng vaccine AstraZeneca hay Pfizer, mũi 3 sau mũi 2 từ 10-12 tuần bằng vaccine nào cũng tốt, giúp tăng tạo kháng thể. Tuy nhiên, mũi 3 bằng vaccine mRNA (Pfizer/Moderna) giúp tạo miễn dịch tế bào T tốt nhất.

Đó là lý do Anh chỉ cho tiêm Pfizer/Moderna cho mũi tăng cường. Để trộn vaccine cho mũi tăng cường, nếu 2 mũi cơ bản tiêm AstraZeneca, mũi tăng cường nên tiêm một loại khác như Pfizer/Moderna. Nếu tiêm 2 mũi cơ bản bằng Pfizer, mũi 3 nên tiêm Moderna và ngược lại. Nếu 2 mũi cơ bản Moderna, mũi 3 nên tiêm Pfizer.

Mỹ cũng cho phép tiêm mũi 3 bằng bất kỳ loại nào giống hoặc khác với mũi cơ bản (trong 3 loại được dùng ở Mỹ là Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson). Ở Việt Nam, nếu không đủ vaccine Pfizer/Moderna mũi 3 cho mọi người, chúng ta có thể tiêm mũi tăng cường bằng một loại vaccine khác với loại cho mũi cơ bản.

Thời điểm tiêm mũi tăng cường

Người bị bệnh suy giảm miễn dịch (SGMD) hoặc đang điều trị làm SGMD phải bổ sung thêm một mũi cơ bản, sau đó có thể tiếp tục với mũi tăng cường. Những trường hợp còn lại, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm sau 6 tháng dựa theo bằng chứng miễn dịch do vaccine suy giảm sau thời gian này.

Them 13.835 nguoi mac Covid-19, Ha Noi co 737 ca hinh anh

Thực tế, miễn dịch do vaccine suy giảm dần dần chứ không giảm đột ngột. Trong tình hình số ca nhiễm vẫn nhiều, thậm chí tăng lên khi mở cửa và điều kiện chủng Omicron xuất hiện, chúng ta nên cân nhắc rút ngắn khoảng cách xuống, đặc biệt là với nhóm nguy cơ cao.

Nghiên cứu nói trên cho thấy mũi 3 tiêm sau mũi 2 từ 10-12 tuần có khả năng sinh miễn dịch tốt. Cùng với lo ngại chủng Omicron, đây là lý do để Anh chọn rút ngắn khoảng cách từ 6 tháng xuống còn 3 tháng sau mũi 2.

Sáu tháng có thể là quá lâu cho một số người, nhất là trường hợp cao tuổi, có bệnh nền. Chiến lược của Việt Nam có lẽ nên mềm dẻo hơn cho nhóm cao tuổi, bệnh nền và có thể rút ngắn xuống dưới 6 tháng cho nhóm này tùy tình hình dịch.

Ngày 1/12, Bộ Y tế có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại cho người dân.

Theo Bộ Y tế, đề xuất này dựa trên khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước.

Ba trường hợp được ưu tiên tiêm liều vaccine phòng Covid-19 bổ sung là:

– Người trên 18 tuổi, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine).

– Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như cấy ghép tạng, ung thư, HIV.

– Người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng.

Bốn trường hợp được ưu tiên tiêm mũi 3 (liều nhắc lại) là:

– Người trên 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền.

– Người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế.

– Người từ 50 tuổi trở lên.

– Người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

TS.BS Trần Nam Trung

Đọc nhiều