Ủy viên Bộ Chính trị với những cái nhất, cái đầu tiên
Trong số 17 Ủy viên Bộ Chính trị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã có 5 nhiệm kỳ liên tiếp là đại biểu Quốc hội và nhiệm kỳ này là lần thứ 6 bà ứng cử.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, Hội đồng bầu cử quốc gia đã gửi công văn kèm danh sách trích ngang những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) do Trung ương giới thiệu về các tỉnh, TP trong cả nước.
Trong số 17 Ủy viên Bộ Chính trị ứng cử ĐBQH khóa XV, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai là trường hợp có số lần ứng cử ĐBQH nhiều nhất. Bà đã có 5 nhiệm kỳ là ĐBQH (khóa X, XI, XII, XIII, XIV), tại kỳ bầu cử này là lần thứ 6 bà ứng cử ĐBQH. Bà sẽ ứng cử tại tỉnh Hòa Bình.
Trường hợp có số lần ứng cử ĐBQH nhiều thứ hai trong Bộ Chính trị là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, đều 5 lần ứng cử và đã có 4 nhiệm kỳ là ĐBQH (các khóa XI, XII, XIII và XIV).
Tại kỳ bầu cử này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ ứng cử tại TP. Hà Nội, còn Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc sẽ ứng cử tại Lâm Đồng.
Trong số các Ủy viên Bộ Chính trị, có 4 trường hợp lần đầu ứng cử ĐBQH, đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Lương Cường.
Trong số Ủy viên Ban Bí thư, có 2 trường hợp cũng lần đầu ứng cử ĐBQH là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng và Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.
Theo quy định của pháp luật, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND, các ứng cử viên sẽ tiến hành vận động bầu cử và công việc này phải kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
Ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp diễn ra ngày 23/5/2021.
PV