Uy tín QĐND Việt Nam và những cuộc gặp khi đạn đã lên nòng

19/04/2021 09:48

Hình ảnh những người lính mũ nồi xanh của Liên hợp quốc (LHQ) xuất hiện ở những vùng đất xung đột trên khắp thế giới từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để giữ vững lực lượng tại những quốc gia có quá nhiều bất ổn về chính trị, những người lĩnh mũ nồi xanh không những phải làm tốt nhiệm vụ của mình mà còn đối mặt với những hiểm nguy từ súng đạn luôn rình rập. Trong số đó là phải kể đến nhiệm vụ làm thuyết khách giữa làn súng đã lên nòng của Thượng tá Mạc Đức Trọng – những sĩ quan Việt Nam đầu tiên trong phái bộ Liên Hợp Quốc đã dấn thân vào vùng đất nội chiến khốc liệt, nỗ lực đưa hoà bình trở lại nơi mà mỗi người dân sở hữu 4 khẩu súng.

Sau mỗi cuộc xung đột, sĩ quan liên lạc Mạc Đức Trọng đến làm việc với thủ lĩnh của các phe phái yêu cầu họ không cản trở hoạt động của các tổ chức nhân đạo, không xả súng bắn giết dân thường bừa bãi…

“Tất cả những điều đó họ không thích đâu vì những cái mình nói ngược lại những cái họ đang làm” – anh Trọng cho hay.

Thế nên, không ít lần thượng tá Mạc Đức Trọng phải đàm phán trong tình thế được “chào đón” bằng một loạt đạn bắn xuống đất và thương lượng với chỉ huy của họ trong khi 3-4 khẩu súng cứ lăm lăm chĩa thẳng vào mình và ngón tay luôn ở chế độ bóp cò bất cứ lúc nào!

“Rất nhiều lần như vậy. Mình đàm phán trong tình huống như thế thì không tỏ ra sợ sệt được. Nhưng nếu tỏ ra coi thường, không sợ họ lại cực kỳ nguy hiểm. Những người đi cùng bảo vệ tôi cũng cầm súng đứng như thế.

Họ cũng sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp nổ súng. Hai bên đã lên sẵn đạn, tay để sẵn ở vị trí bóp cò. Rất căng thẳng” – anh kể.

“Không khí đàm phán như thế nào là do mình. Mình phải làm giảm căng thẳng xuống vì không chỉ bảo vệ mình mà còn bảo vệ lực lượng của Liên Hợp Quốc đi cùng. Họ không thù địch mình nhưng họ hiếu chiến.

Sự hiếu chiến rất nguy hiểm vì họ đang ở trong trạng thái chiến tranh. Tôi không nói quá nhiều đến nhiệm vụ, đến việc họ phải làm thế này thế kia, tôi được quyền thế này thế kia. Nói vậy là hỏng hết. Lôi cả một đống nguyên tắc ra là hỏng hết.

Tôi nói theo cách dân dã, mềm mỏng. Nhiều trường hợp sĩ quan liên lạc không có kỹ năng đàm phán bị họ đánh tại chỗ, không thèm nói chuyện. Vậy là thất bại, không đạt được mục đích đàm phán” – thượng tá Mạc Đức Trọng chia sẻ.

Có một điều khá thú vị là các chỉ huy, thủ lĩnh các phe phái lại rất ngưỡng mộ Quân đội Việt Nam. Thượng tá Trọng cho biết: “Uy tín của Việt Nam ở các nước châu Phi rất cao. Lúc đầu thái độ của họ rất bất hợp tác. Khi biết mình là sĩ quan Việt Nam, họ vui lắm. Có chỉ huy nói: Tôi nghiên cứu rất nhiều về Việt Nam, những bài luận tôi đều làm về chiến tranh Việt Nam. Họ kể vanh vách trận này trận kia, tướng này tướng kia. Nhắc đến Việt Nam, họ rất ngưỡng mộ. Họ nói năng đàng hoàng hơn…”.

Đại tá Trọng kể tiếp: “Rất nhiều lần tôi có thể hóa giải khó khăn bằng cách sử dụng uy tín của đất nước mình. Thay vì nói mình là người của Liên Hợp Quốc thì nói tôi là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Họ òa lên… Kể cả quân đối lập hay quân chính phủ đều tôn trọng dân tộc Việt Nam. Có một thủ lĩnh tự phong trung tướng cứ hỏi: “Làm thế nào cho tôi đi thăm Việt Nam một lần trong đời?”.

Tất nhiên không thể hứa được. Tôi bảo bây giờ đất nước ông đang chiến tranh, làm gì có hộ chiếu mà đi được”.

Hạnh Nhân

Đọc nhiều