8
category
323270

Ứng phó sự cố môi trường sau vụ cháy ở Rạng Đông, quy trình đã có sao vẫn chậm chạp?

03/09/2019 06:44

Vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông không chỉ là một sự cố cháy nổ thông thường, mà là một sự cố về môi trường. Trách nhiệm đầu tiên để xảy ra cháy là Công ty này, nhưng điều quan trọng là việc ứng phó với sự cố sau đó dù đã có quy trình rõ trong Luật nhưng cơ quan chức năng vẫn chậm.

Vụ cháy ở Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thuộc địa bàn phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hôm 28/8 vừa qua có liên quan đến hóa chất nguy hại (thủy ngân), có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014: “Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng”.

Đoàn quan trắc của Tổng cục Môi trường đang tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường quanh nhà máy Rạng Đông sau sự cố cháy nổ.
Đoàn quan trắc của Tổng cục Môi trường đang tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường quanh nhà máy Rạng Đông sau sự cố cháy nổ.

Trao đổi với PV, TS Hoàng Dương Tùng – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) đánh giá, vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là một sự cố môi trường.

Theo ông Tùng, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng với Hà Nội đã làm nhiều việc cần thiết trong những ngày vừa qua.

“Luật Bảo vệ Môi trường có quy định rõ, trong đánh giá tác động môi trường của mỗi cơ sở sản xuất đều có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Tức là người ta phải chuẩn bị trước khi sản xuất như vậy thì sẽ có những nguy cơ gì có thể xảy ra từ phía môi trường… phải có kế hoạch để nếu xảy ra thì sẽ phải làm như thế nào, phải báo ai, nhờ cơ quan nào hỗ trợ?…”, ông Tùng cho hay.

Vậy khi nào cần công bố sự cố môi trường để toàn dân được biết? Trả lời câu hỏi này, ông Tùng cho hay: “Nhà máy phải thông báo với chính quyền sở tại và tùy từng trường hợp thì cơ quan chức năng sẽ công bố thông tin, chứ không phải ai cũng công bố thông tin được”.

Ngoài ra, theo ông Tùng, sau khi vụ cháy xảy ra lại gặp trời mưa và gió liên tục ở Hà Nội nên các chất nguy hại cũng khuyếch tán đi. Tuy mức nguy hại có giảm nhưng ở mức độ nào thì cần cơ quan chuyên môn công bố bằng số liệu cụ thể. Hiện nay, các cơ quan của Hà Nội, Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang vào cuộc để lấy mẫu, quan trắc, phân tích và sẽ phải công bố kết quả để người dân biết, đây là trách nhiệm của họ.

“Còn việc để xảy ra sự cố cháy là trách nhiệm của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, theo tôi thấy thì nhà máy cũng đã không trốn tránh về trách nhiệm, có điều trách nhiệm đến đâu cần làm rõ”, ông Tùng nêu quan điểm.

Hình ảnh vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ngày 28/8 vừa qua.

Theo tìm hiểu của PV, điều 109 Luật Bảo vệ môi trường quy định rất rõ về việc ứng phó với sự cố môi trường.

Theo đó, tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố.

Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố.

Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường.

Riêng việc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp này, các cơ quan chuyên môn của Hà Nội phải có trách nhiệm vào cuộc trước tiên.

Quy trình đã rõ như vậy, nhưng dư luận cho rằng việc ứng phó với sự cố môi trường của các cơ quan chức năng trong những ngày qua còn chậm chạp!?

Thông tin mới nhất về tình hình xử lý sự cố cháy nổ tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Sự cố cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là sự cố cháy nổ có liên quan tới an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, xảy ra trên địa bàn Hà Nội, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của TP Hà Nội.

Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được giao, ngay sau khi sự cố cháy nổ xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các cơ quan liên quan của TP Hà Nội để trao đổi, nắm bắt thông tin. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (trực thuộc Tổng cục Môi trường) trực tiếp phối hợp, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh: không khí, nước, đất sau sự cố.

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trên địa bàn thành phố nói chung và tại khu vực xảy ra sự cố cháy nổ nói riêng đều ở mức bình thường, nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

“Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học để tính toán, lượng hóa các nguồn, chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ bóng đèn huỳnh quang, đèn compact để đưa ra được mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường nếu có. Tổng cục Môi trường đang tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước để hướng dẫn, hỗ trợ TP Hà Nội trong quá trình thực hiện”, Tổng cục Môi trường thông tin.

Cũng theo đơn vị này, hiện cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ dựa trên cơ sở số liệu thực tế và căn cứ khoa học; sự cố vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Vì thế, để bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người dân, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân sinh sống tại khu vực xung quanh Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế; tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình (đối với các hộ dân ở gần Công ty); không sử dụng nước từ các bể chứa nước không được che đậy kín; thau rửa các bể chứa nước không được che đậy kín; tạm thời không sử dụng các thực phẩm được nuôi trồng tại khu vực xung quanh Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho đến khi các cơ quan chức năng nhà nước công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ nêu trên.

(Theo Minh Thư/Infonet)

Đọc nhiều