86
topics
567058

Ứng dụng công nghệ phòng chống dịch bệnh và âm mưu xuyên tạc của Việt Tân

Hoàng Chung 19/11/2021 15:44

Dữ liệu cá nhân của mọi công dân đều được Nhà nước quản lý chặt chẽ. Những dữ liệu cá nhân khi được Nhà nước thu thập đầy đủ và đảm bảo bảo mật trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính công thông thường. Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nước ta, Chính phủ đã phát triển ứng dụng Bluezone để phòng chống dịch bệnh. Ngày 11/10/2021, Nghị quyết 128/NQ-CP có hiệu lực, trong đó yêu cầu các cá nhân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vaccine, khám chữa bệnh (nếu có điện thoại thông minh). Có thể thấy, người dân có thể tiết kiệm thời gian rất nhiều nếu có điện thoại thông minh.

Người dân khai báo y tế bằng ứng dụng.

Thay vì khai báo y tế trên giấy, đến trực tiếp cơ sở y tế để đăng ký tiêm vaccine, khám chữa bệnh thì với ứng dụng công nghệ, chúng ta có thể thực hiện nhanh chóng, dễ dàng và tin cậy. Quả thật, trong thời gian vừa qua, mỗi địa phương lại sử dụng một ứng dụng khác nhau khiến cho người dân phải đắn đo, cân nhắc nên sử dụng loại nào. Vì vậy, vào cuối tháng 10/2021, 3 liên bộ Y tế, Công an, TT&TT đã thống nhất sử dụng 3 ứng dụng: PC-Covid quốc gia (ứng dụng phục vụ phòng chống dịch COVID-19); VNeID (ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân do Bộ Công an quản lý và là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội); Sổ sức khỏe điện tử (ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của người dân suốt đời, trong đó có dữ liệu về tiêm chủng do Bộ Y tế quản lý). Người dân sử dụng và thực tế họ rất hài lòng, đánh giá cao. Một số người dân bày tỏ lo ngại về tính bảo mật thông tin người dùng, tuy nhiên thông tin người dùng ở 3 ứng dụng được xác thực, liên thông với nhau và được bảo mật cao. Vì vậy mà các đối tượng xấu không thể ăn cắp hoặc sử dụng trái phép. Ngoài ra, việc sử dụng ứng dụng điện thoại trên là hoàn toàn tự nguyện, Nhà nước khuyến khích và không hề bắt buộc người dân.

Thế nhưng, Việt Tân hôm 18/11 đã dẫn lời đối tượng Thanh Ngọc với bài viết “Chính quyền không quan tâm bảo vệ dữ liệu khai báo y tế của bạn” với những nội dung bịa đặt vô căn cứ. Cụ thể, chúng đã tự tưởng tượng và vẽ nên giả tưởng mơ hồ “Trong tương lai, bạn ra khỏi nhà vào lúc mấy giờ, đi taxi biển số nào, đến nhà ai, uống cà phê ở đâu, gặp gỡ ai, v.v rất có thể sẽ được chính quyền thu thập với lý do phòng, chống dịch COVID-19”.

Luận điệu xuyên tạc của Việt Tân.

Cần khẳng định, việc thu thập thông tin người dân phục vụ cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Việc khoanh vùng, dập dịch sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu cơ quan chức năng nắm được F0 đã tiếp xúc với những ai. Bản thân người dân đều nhận thức rõ và đồng tình. Trong quá trình đó, các thông tin đi xe biển số bao nhiêu, đến nhà ai, gặp gỡ ai là vô cùng cần thiết. Nhà nước thu thập và sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Điều này hoàn toàn không vi phạm quyền con người mà ngược lại còn bảo đảm an toàn cho sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Nếu người dân không nhận thức rõ tính đúng đắn thì đã không tự nguyện cài đặt và cung cấp chính xác thông tin. Chắc chắn Việt Tân đã không tìm hiểu tỷ lệ người dân đã sử dụng ứng dụng đó và sự hài lòng của nhân dân. Chúng chỉ đưa ra những suy diễn cá nhân vô căn cứ.

Điều mà chúng tập trung xuyên tạc đó là cách mà các cơ quan chức năng thu thập, xử lý và bảo vệ thông tin, ngăn chặn các đối tượng xấu đánh cắp và sử dụng trái phép. Nhưng chúng quên rằng, nước ta đã và đang triển khai đồng bộ và hiệu quả Luật An ninh mạng. Ngay cả một số nước phát triển cũng rất khâm phục sự quyết liệt trong hành động bảo vệ thông tin trên mạng của chúng ta. Tuy Việt Nam là một trong số những quốc gia có nguy cơ cao bị các hacker đánh cắp thông tin, nhưng với đội ngũ chuyên gia an ninh mạng chuyên nghiệp và ý thức tốt của người sử dụng thì chắc chắn sẽ hạn chế được vấn đề này.

Chính quyền không hề “hành xử tùy tiện” với dữ liệu cá nhân mà bạn khai báo. Việt Tân đã bịa đặt rằng chính quyền “thu thập dữ liệu vô nguyên tắc, điều khoản sử dụng dữ liệu không có hoặc sơ sài; không rõ ràng về thẩm quyền truy cập dữ liệu; không cam kết về thời gian lưu trữ, xử lý dữ liệu sau cùng; không tham vấn người dân về việc thu thập, quản lý dữ liệu”. Chính sách quyền riêng tư của ứng dụng Sổ khám sức khỏe điện tử có tất cả 6 điều, trong đó điều 3 quy định rõ quyền truy cập, điều 4 quy định đầy đủ thu thập thông tin cá nhân và điều 5 quy định bảo vệ sự riêng tư và bản quyền. Tương tự như vậy, ứng dụng PC-Covid có tới 7 điều trong điều khoản sử dụng và chính sách bảo mật, ứng dụng VNeID có 6 điều về chính sách quyền riêng tư. Tất cả đều quy định đầy đủ, rõ ràng,minh bạch, trái ngược hoàn toàn với luận điệu chung chung,vô căn cứ của đối tượng Thanh Ngọc.

Có thể thấy âm mưu thâm độc xuyên tạc vô căn cứ của tổ chức Việt Tân. Những suy nghĩ cá nhân của các đối tượng đã phóng đại, làm biến chất, cố tình phản ánh sai mục đích khuyến khích người dân khai báo y tế bằng ứng dụng điện tử. Sâu xa là nhằm phá hoại những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của đất nước.

Hoàng Chung

Đọc nhiều