Ukraine cấm binh sĩ tập trung ở thao trường sau loạt vụ tập kích của Nga

Thảo Nguyên 02/07/2025 17:27

Một mệnh lệnh bất ngờ nhưng không quá khó đoán được đưa ra từ Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrsky: nghiêm cấm tập trung binh sĩ và khí tài tại các thao trường, đồng thời yêu cầu dừng sử dụng lều bạt làm nơi lưu trú cho quân nhân.

Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrsky. Ảnh: Kyiv Independent

Lý do không mới: quân đội Ukraine đang phải gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng từ các đòn tập kích chính xác của Nga, đặc biệt nhắm vào các thao trường huấn luyện – nơi binh sĩ tập trung đông, ít phòng thủ và hoàn toàn lộ thiên trước UAV trinh sát.

“Yêu cầu không thể thương lượng của tôi là đảm bảo an toàn cho binh sĩ tại các trung tâm huấn luyện và thao trường địa phương”, ông Syrsky nhấn mạnh sau cuộc họp với các chỉ huy cấp cao ngày 1/7.

Trong vòng 4 tháng qua, hàng loạt vụ tấn công diễn ra theo một mô-típ giống nhau đến đáng báo động: UAV Nga trinh sát các thao trường, theo dõi quá trình huấn luyện, sau đó chỉ điểm cho tên lửa Iskander-M mang đầu đạn chùm đánh thẳng vào điểm tập trung quân. Vụ gần nhất ngày 22/6 tại Davydov Brod (tỉnh Kherson) khiến ít nhất 75 binh sĩ Ukraine thương vong và phá hủy 11 phương tiện – theo các nguồn tin quân sự thân Nga. Ukraine chỉ thừa nhận 3 chết, 11 bị thương.

Tháng 3, tại thao trường Novomoskovsky (Dnipropetrovsk), một đòn tập kích tương tự khiến 150 người thiệt mạng – trong đó có khoảng 30 chuyên gia nước ngoài, theo tuyên bố từ phía Nga. Video công bố cho thấy binh sĩ Ukraine tập trung dày đặc, sinh hoạt trong các lán trại sơ sài, không có bất kỳ biện pháp phòng không tầm gần nào.

Tướng Syrsky gọi đây là “thảm kịch”. Nhưng thảm kịch ấy không phải là bất ngờ. Nó lặp lại vì một lỗ hổng chiến lược không được vá kịp thời: sai lầm trong tổ chức hậu cần và thói quen huấn luyện thời bình trên chiến trường ác liệt.

Các đòn đánh của Nga – đặc biệt từ UAV và tên lửa mang đầu đạn chùm – đang cho thấy khả năng theo dõi và tấn công theo chu kỳ huấn luyện. Nga không cần đánh tràn lan. Họ chỉ cần đánh vào lúc binh sĩ Ukraine dễ tổn thương nhất: khi đang tập trung đông, thiếu phòng ngự, sinh hoạt ngoài trời.

Không quân Nga không chỉ có Iskander-M, mà còn có khả năng “dẫn đường mục tiêu” thời gian thực từ UAV tầm cao và tầm trung, một năng lực mà Ukraine – trong nhiều trường hợp – không kịp ứng phó. Binh sĩ tập trung 100 người trở lên tại khu vực lộ thiên không khác gì “mâm cỗ sẵn sàng”.

Hậu quả không chỉ là thương vong tức thời. Mỗi đòn đánh kiểu này còn đánh vào tinh thần quân đội, đặc biệt là lực lượng tân binh và các đơn vị đang huấn luyện luân phiên.

Quyết định cấm tập trung binh sĩ tại thao trường không phải là sự lựa chọn. Nó là phản ứng bắt buộc sau hàng loạt sai sót có hệ thống. Dù vậy, câu hỏi đặt ra là: tại sao cần đến những đòn đánh có thương vong lớn để khiến bộ chỉ huy nhận ra điều đã được cảnh báo từ trước?

Trước đó, Tư lệnh Lục quân Mykhailo Drapatyi đã xin từ chức, nhận trách nhiệm sau các vụ tập kích gây chết người tại khu vực phía đông và nam Ukraine. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nội bộ chỉ huy Ukraine đang chịu áp lực lớn, không chỉ từ tổn thất thực địa mà còn từ phản ứng trong quân đội và công chúng.

Lệnh cấm lần này đi kèm yêu cầu xây dựng hầm ngầm, công sự kiên cố, loại bỏ lều bạt, áp dụng kỹ thuật che giấu và phân tán lực lượng, nhằm giảm thiểu thiệt hại trong các đợt huấn luyện.

Không ai phủ nhận Ukraine đang chống chọi với một quân đội Nga có ưu thế công nghệ và vũ khí tầm xa. Nhưng trong cuộc chiến hiện đại, thất bại vì chủ quan và lặp lại sai lầm cũ chính là thất bại lớn nhất.

Tổn thất về người có thể đo bằng con số. Nhưng tổn thất về tinh thần, về sự rạn vỡ kỷ luật nội bộ, sự mất mát niềm tin vào bộ chỉ huy – đó là thứ khó đo, nhưng cực kỳ nguy hiểm trong một cuộc chiến kéo dài.

Cải tổ hậu cần và tổ chức huấn luyện là cấp thiết. Và sẽ là quá muộn nếu các quyết định tiếp theo lại chỉ đến sau một thảm kịch mới.

Thảo Nguyên 

Đọc nhiều