Ukraine bất ngờ phát hành trái phiếu chiến tranh lợi suất cao
Theo CNBC, hôm 1/3, chính phủ Ukraine bắt đầu phát hành trái phiếu chiến tranh và đã thu về khoảng 270 triệu USD tính đến nay.
“Số tiền thu được từ trái phiếu sẽ được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine cũng như đảm bảo việc duy trì nhu cầu tài chính của đất nước trong thời chiến tranh”, Twitter của Bộ Tài chính Ukraine thông báo.
Trái phiếu sẽ có lợi suất 11% với thời hạn một năm. Mỗi trái phiếu trị giá 1.000 hryvnia, tương đương 33 USD.
Chính phủ Ukraine cũng phát hành trái phiếu có thời hạn 2 tháng với lợi suất 10%. Số trái phiếu này cũng đóng góp 7 triệu USD cho Ukraine.
Wall Street Journal cho biết hoạt động bán trái phiếu được thực hiện thông qua các tổ chức như Citigroup, ngân hàng Raiffeisen của Áo và ngân hàng OTP có trụ sở tại Budapest.
Sau khi Nga tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine, quốc gia này vẫn giữ được quyền kiểm soát những thành phố quan trọng như thủ đô Kyiv.
Theo Ngân hàng Thế giới, vào năm 2020, tổng ngân sách cho quốc phòng của Ukraine là 5,92 tỷ USD. Con số này có sự chênh lệch lớn so với khoản ngân sách 61,71 tỷ USD mà Nga đã chi.
Ngoài huy động tiền từ trái phiếu, Ukraine cũng nhận hỗ trợ bằng tiền mã hóa. Tài khoản Twitter chính thức của chính phủ Ukraine hôm 26/2 đã đăng tải 2 địa chỉ ví điện tử để nhận hỗ trợ Bitcoin, Ethereum và USDT.
Công ty phân tích dữ liệu Elliptic cho biết tính đến ngày 27/2, Ukraine thu về 10,2 triệu USD từ các khoản hỗ trợ bằng tiền mã hóa. Đây chỉ là phần nhỏ trong các khoản hỗ trợ quân đội Ukraine thông qua tổ chức phi chính phủ.
Ukraine tiến thêm một bước trên đường gia nhập EU
Bloomberg dẫn lời quan chức giấu tên cho biết các đặc phái viên sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành của khối – xem xét khả năng tham gia EU của Ukraine. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến thảo luận về triển vọng này tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Paris vào ngày 10-11/3.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm 1/3 rằng bà đã nói chuyện với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy về tư cách thành viên của Ukraine, nhấn mạnh với tổng thống rằng “vẫn còn chặng đường dài phía trước”.
Ukraine đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một số quốc gia thành viên. Trong bức thư ngỏ, các nhà lãnh đạo của Bulgaria, CH Czech, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia đã kêu gọi EU mở ra con đường gia nhập ngay lập tức cho Ukraine. Hôm 1/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đến Brussels để vận động bà von der Leyen về vấn đề này.
Động thái này diễn ra sau khi ông Zelenskiy chính thức ký đơn xin gia nhập vào hôm 28/2. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt thành viên bao gồm một loạt bước và có thể kéo dài hơn một thập niên. Croatia là quốc gia cuối cùng gia nhập khối vào năm 2013 và quá trình đăng ký kéo dài tới 10 năm.
Một khi các đại sứ đưa ra yêu cầu đánh giá ban đầu, ủy ban sẽ quyết định xem Ukraine có sẵn sàng bắt đầu quá trình gia nhập hay không. Sau đó, ủy ban sẽ trình bày quan điểm với các nước thành viên EU.
Quốc gia xin gia nhập cần phải thông qua hệ thống luật đã được thiết lập của EU, cũng như ban hành các cải cách – bao gồm cả hệ thống tư pháp và kinh tế – để đáp ứng các tiêu chí của khối.
Hơn 30 lĩnh vực sẽ được xem xét và thương lượng để đảm bảo quốc gia đó sẵn sàng tham gia. Bước tiếp theo cần có sự chấp thuận của tất cả thành viên EU, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu.
Theo một quan chức khác, vì tình hình ở Ukraine đang rất căng thẳng, EU có thể đồng ý đẩy nhanh thủ tục. Tuy nhiên, không có nhiều cơ hội cho thấy khối này sẽ sớm trao quyền cho Ukraine. Theo một quan chức khác, Hội đồng châu Âu – cơ quan giám sát các thủ tục gia nhập – có thể yêu cầu ý kiến khẩn cấp từ ủy ban. Điều này thường mất 15-18 tháng.
Phương Anh