420
category
400365

UK Express: Trung Quốc ngấm ngầm thả cáp quân sự xuống Hoàng Sa

Bảo Trâm 11/06/2020 15:10

Một tàu quân sự Trung Quốc 2 ngày qua đang ngấm ngầm đặt cáp ngầm quân sự xuống đáy Biển Đông tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Hình ảnh tàu Tian Yi Hai Gong đang thả cáp ngay phía bắc đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa

Dẫn nguồn từ hình ảnh vệ tinh thương mại có độ phân giải cao do trang BenarNews cung cấp, trang UK Express đưa ra hình ảnh một con tàu Trung Quốc mang tên Tian Yi Hai Gong đang thả cáp ngay phía bắc đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, được pháp luật quốc tế công nhận nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Theo các chuyên gia quân sự nhận định, dây cáp mà Trung Quốc sử dụng tại Hoàng Sa có thể được Trung Quốc phục vụ cho mục đích quân sự, nhằm tăng khả năng phát hiện tàu ngầm dưới biển.

Phần mềm theo dõi hoạt động của tàu trên biển ghi nhận tàu Tian Yi Hai Gong xuất phát từ Thượng Hải, ra Hoàng Sa hôm 28/5. Ảnh vệ tinh cho thấy có vẻ nó đang đặt cáp giữa ít nhất 2 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, gồm đảo Cây, đảo Bắc và đảo Phú Lâm.

Con tàu tiến về phía tây nam ngày 5/6, cập vào các đảo Drumond, đảo Yagong và bãi Xà Cừ. Đến sáng 8/6, con tàu này đang hoạt động ở phía đông bắc của bãi Xà Cừ.

Đường đi của tàu Tian Yi Hai Gong

Không rõ tàu Tian Yi Hai Gong có đặt cáp trên những thực thể này hay không, nhưng cách di chuyển của nó tương tự như ở các thực thể khác. Vào năm 2016, trang Reuters từng đưa tin Trung Quốc đã đặt cáp ngầm dưới biển kết nối căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm với đảo Hải Nam.

Theo như Giáo sư James Kraska, giáo sư tại ĐH Hải chiến Mỹ thì tuyến cáp này có thể phục vụ trao đổi thông tin quân sự, mã hóa tin mật giữa các đảo, nó sẽ được kết nối với hệ thống cáp ngầm đặt dọc bờ biển phía đông Trung Quốc.

Cũng có khả năng đây là cáp ngầm thuộc mạng lưới kiểu SOSUS, một hệ thống giám sát âm thanh dưới biển, có thể dùng để nghe trộm âm thanh từ các tàu ngầm khác cùng khu vực. SOSUS cũng là hệ thống sonar mà Hải quân Mỹ dùng để theo dõi hoạt động dưới biển”, trích lời từ ông Krasha.

Ông Bryan Clark, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Hudson Washington, cũng nghi ngờ hệ thống cáp của Trung Quốc có thể dùng cho mục đích theo dõi.

Một hệ thống sonar sẽ đóng vai trò quan trọng với khu vực phía bắc đảo Phú Lâm vì căn cứ của hạm đội tàu ngầm biển Hoa Nam của Trung Quốc đóng tại căn cứ hải quân Du Lâm thuộc đảo Hải Nam”, ông Clark nói.

Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam nhưng Trung Quốc luôn ngang ngược bấp chấp luật pháp quốc tế

Ông Clark nói rằng Du Lâm là một trong những căn cứ phức tạp nhất của hải quân Trung Quốc, được trang bị hệ thống hầm ngầm và bảo trì để phục vụ lực lượng tàu ngầm ngày càng nhiều lên của Trung Quốc. Căn cứ này nằm ở mũi cực nam của Hải Nam.

Hệ thống sonar đáy biển giữa đảo Phú Lâm và đảo Hải Nam sẽ giúp tìm các tàu ngầm Mỹ cố gắng theo dõi căn cứ ở Hải Ham hoặc các tàu ngầm của Trung Quốc trong thời bình, hoặc có thể tấn công tàu ngầm của Trung Quốc trong thời chiến”, ông Clark nói.

Tuy nhiên, không có hồ sơ nào về hành trình của tàu Tian Yi Hai Gong trong cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế. Tương tự như vậy, cũng không có hồ sơ nào với Ủy ban bảo vệ cáp quốc tế báo cáo rằng Trung Quốc đã xin phép để đặt cáp ngầm tại bất cứ khu vực nào tại Biển Đông.

Nếu nhận định của các chuyên gia chính xác, thì Trung Quốc một lần nữa lại ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế, xâm chiếm cũng như tiếp tục thực hiện quân sự hóa bất hợp pháp tại Biển Đông.

Bảo Trâm (Lược dịch theo UK Express)

Đọc nhiều