181
topics
331434

Tỷ phú gốc Hải Dương kích hoạt cứ điểm Quảng Ngãi

08/11/2019 14:46

Doanh nghiệp của tỷ phú USD một thời Hòa Phát của chủ tịch Trần Đình Long vừa phát đi tín hiệu cho thấy tập đoàn này đang vào cuộc bứt phá với cứ điểm mới ở phía Nam.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của đại gia số 1 ngành thép Trần Đình Long vừa công bố thông tin về kết quả kinh doanh trong 10 tháng với sản lượng thép xây dựng đạt 2,18 triệu tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, khu vực miền Nam tăng 91% so với cùng kỳ lên hơn 328 ngàn tấn. Thép cuộn nguyên liêu cho rút dây tăng đột biến 4 lần.

Đây là kết quả khá ấn tượng trong bối cảnh có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp của tỷ phú USD một thời Trần Đình Long. Cổ phiếu HPG đang trong giai đoạn thấp khiến tài sản của ông Long bốc hơi 500 triệu USD. Trong 3 phiên gần đây, cổ phiếu HPG tăng trở lại lên mức 22.700 đồng/cp nhưnghấp hơn nhiều so với đỉnh cao 34 ngàn đồng/cp (giá điều chỉnh) ghi nhận hồi đầu tháng 3 năm 2018.

Tỷ phú gốc Hải Dương kích hoạt cứ điểm Quảng Ngãi
Ông Trần Đình Long chưa lấy lại được danh hiệu tỷ phú USD

Sản lượng thép của Hòa Phát tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực phía Nam là nhờ nguồn cung dồi dào và ổn định từ các nhà máy của Hòa Phát ở Dung Quất (Quảng Ngãi) một dự án trọng điểm của tập đoàn này trong nhiều năm qua.

Trước đây, cứ điểm sản xuất của Hòa Phát là ở Hải Dương. Hàng từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương vào đến miền Nam mất hơn 7 ngày, nhưng từ cảng Hòa Phát Dung Quất vào Đồng Nai chỉ mất khoảng trên dưới 3 ngày.

Đây là một chiến lược của tỷ phú Trần Đình Long nhằm đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường phía Nam, một kế hoạch Nam tiến được hoạch định và đang triển khai rất mạnh.

Tham vọng của ông Trần Đình Long cũng rất lớn. Với quy mô sản lượng lên tới trên 4 triệu tấn thép xây dựng/năm từ 2020, mục tiêu của Hòa Phát trong năm tới tại khu vực miền Trung và miền Nam là tăng trưởng sản lượng gấp 2,5 lần so với 2019, góp phần gia tăng độ phủ thương hiệu cũng như thị phần các khu vực này.

Nhiều doanh nghiệp ngành thép chịu ảnh hưởng từ thông tin đánh thuế của Mỹ. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ vài tháng trước cho biết đã phát hiện sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan, vốn chịu thuế bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ.

Trên thực tế, chưa có thông tin cụ thể về các doanh nghiệp thép nào của Việt Nam có liên quan, số lượng hàng có nguồn gốc Hàn Quốc, Đài Loan là bao nhiêu, tỷ trọng như thế nào,… nhưng thông tin Mỹ đánh thuế ngay lập tức tác động tiêu cực tới các cổ phiếu ngành thép.

Tỷ phú gốc Hải Dương kích hoạt cứ điểm Quảng Ngãi
Sản lượng thép của Hòa Phát tăng mạnh.

Tại ĐHCĐ 2018, HPG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu tăng 24% lên 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 22% từ mức kỷ lục 8,6 ngàn tỷ trong năm 2018 xuống còn 6.700 tỷ đồng trong năm 2019. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 20%, thấp hơn mức 30% trong năm 2018.

Sở dĩ Hòa Phát của ông Trần Đình Long đặt kế hoạch thấp bởi lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại giá thép bán ra sẽ thấp hơn trong bối cảnh giá thép thế giới được dự báo xuống thấp. Trung Quốc đã giảm thuế để thúc đấy xuất khẩu thép.

Trong khi giá bán ra có thể giảm thì giá quặng sắt tăng mạnh đầu năm 2019, từ quanh mức 65 USD/tấn có lúc lên trên 90 USD.

Nhưng một yếu tố đáng lưu ý hơn là thị trường bất động sản có dấu hiệu chùng lại. Lượng hàng hóa đổ dồn trong các năm trước đó có dấu hiệu lên đỉnh điểm trong 2018 và 2019 và các doanh nghiệp địa ốc có dấu hiệu giảm phát triển các dự án mới, trừ ông lớn đầu ngành Vingroup.

Thị trường bất động sản nhiều khá năng sẽ không còn sôi động và có thể rơi vào thời kỳ khó khăn hơn trong vài năm tới khi mà Chính phủ thực thi các chính sách thắt chặt để đảm bảo phát triển bền vững, giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Hàng loạt cổ phiếu cùng ngành thép tôn trong cả năm cũng trong xu hướng giảm giá. Tôn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ đang ở vùng thấp nhất 3 năm. Cổ phiếu này hiện chỉ còn 7.430 đồng/cp, so với đỉnh gần 30 ngàn đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi cuối 2017. Thép Nam Kim (NKG) đang ở vùng đáy lịch sử, còn 6.300 đồng, so với mức khoảng 32 ngàn đồng/cp hồi cuối 2017.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 8/11 chỉ số VN-Index tăng nhẹ và vượt lên trên ngưỡng 1.025 điểm. Một số cổ phiếu blue-chips diễn biến tích cực gồm: HDBank, Techcombank, Vinamilk, Vietcombank…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn tích cực trong các báo cáo.

Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. VN-Index được kỳ vọng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 1.035-1.045 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm. Về diễn biến các nhóm ngành, các cổ phiếu vốn hóa lớn và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dòng tiền và sẽ luân phiên tăng điểm để dẫn dắt thị trường đi lên trong giai đoạn hiện tại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/11, VN-Index giảm 0,88 điểm xuống 1.024,03 điểm; HNX-Index tăng 0,14 điểm lên 106,88 điểm. Upcom-Index tăng 0,24 điểm lên 56,83 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 4,6 ngàn tỷ đồng.

V. Hà/Vietnamnet

Đọc nhiều