Tỷ phú Elon Musk lật kèo, muốn hủy vụ mua lại Twitter?
Ngày 13/5, tỷ phú Elon Musk tuyên bố thỏa thuận trị giá 44 tỉ USD của ông với Twitter đang bị tạm hoãn.
Mới đây, tỷ phú Elon Musk đã đăng tải trên Twitter rằng ông đang tạm hoãn việc thu mua lại mạng xã hội này vì lý do số tài khoản giả mạo chưa đến 5%. Sau đó nhà sáng lập Tesla trấn an nhà đầu tư rằng ông vẫn theo đuổi thương vụ này chứ không từ bỏ.
Dẫu vậy, động thái này của Elon Musk đã khiến giá cổ phiếu Twitter giảm xuống chỉ còn 45,08 USD/cổ trong phiên 13/5/2022, thấp hơn rất nhiều mức giá 54,2 USD/cổ mà nhà sáng lập Tesla đồng ý thanh toán cho cổ đông mạng xã hội này vào ngày 27/4/2022.
Như vậy chỉ với 1 dòng Tweet, Elon Musk đã thổi bay tổng cộng 9 tỷ USD vốn hóa thị trường kể từ lúc đề nghị mua Twitter.
Mặc cả?
Mặc dù Hội đồng quản trị Twitter đã đồng ý thương vụ này nhưng sẽ phải tốn hàng tháng trời để đi đến bản ký kết cuối cùng và cũng chưa chắc chắn Elon Musk sẽ ký vào đó. Điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng, dẫn đến đà bán ra của cổ phiếu.
Hãng tin CNBC nhận định có thể phía Elon Musk muốn đàm phán giá cả tốt hơn bởi cổ phiếu Twitter đã mất hơn 8% giá trị kể từ phiên 6/5/2022 và mất 23% giá trị kể từ khi nhà sáng lập Tesla đồng ý mua ở mức 54,2 USD/cổ.
Trên thực tế, đà giảm giá cổ phiếu công nghệ đang diễn ra trên toàn thị trường khi chỉ số Nasdaq giảm tới 11% kể từ phiên 25/4 khi Twitter chấp nhận đề nghị mua của Elon Musk. “Đây có thể là chiến lược đàm phán của Elon Musk khi thị trường giảm điểm mạnh”, chuyên gia nghiên cứu Toni Sacconaghi của Bernstein nhận định.
Trong lịch sử đã từng diễn ra tình trạng tương tự khi thương hiệu Tiffany kiện tập đoàn thời trang LVMH năm 2020 vì bỏ cọc. Kết quả cuối cùng Tiffany đã đồng ý giảm mức giá bán từ 16,2 tỷ USD xuống còn 15,8 tỷ USD để hoàn tất thương vụ với LVMH.
Nếu phá hợp đồng, Elon Musk sẽ phải thanh toán khoản tiền phạt lên đến 1 tỷ USD, nhưng con số này chẳng là gì so với khối tài sản 220 tỷ USD của nhà sáng lập Tesla.
“Thị trường đang thiếu niềm tin vào thương vụ này do gặp quá nhiều thách thức liên quan đến luật pháp”, chuyên gia phân tích Mark Mahaney của Evercore ISI nhận định.
Trước đó, tỷ phú Elon Musk đã vi phạm quy định khi “mua chui” số cổ phiếu Twitter. Cụ thể, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) quy định bất kỳ ai mua hơn 5% cổ phần thường của 1 công ty cũng phải công khai đăng ký trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm giao dịch. Thế nhưng Elon Musk mất tới 21 ngày mới đăng ký với SEC sau khi đã thực hiện lệnh mua Twitter.
Hiện Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang điều tra vụ việc và vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Dan Ives của Wedbush Securities nhận định thương vụ Twitter 90% sẽ thành công, thế nhưng những rắc rối liên quan đến luật pháp đang khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Khó lòng “hủy kèo”
Ngoài ra theo các nhà phân tích, tỷ phú Elon Musk cho dù có muốn hủy kèo cũng chẳng dễ dàng bởi ngoài khoản tiền phạt 1 tỷ USD, chúng còn dính dáng đến rất nhiều yếu tố pháp luật. Luật pháp Mỹ ghi rõ bên mua chỉ có thể hủy kèo khi phát hiện các vấn đề gian dối, lừa đảo, gặp rắc rối về tài chính hoặc các vấn đề liên quan đến luật pháp.
Bởi vậy nếu Elon Musk viện cớ để bỏ kèo nhằm gây áp lực đàm phán lại do giá cổ phiếu xuống dưới mức cam kết mà nhà sáng lập đã từng đáp ứng trước đây, phía Twitter có quyền kiện cáo. Nếu điều đó xảy ra, Elon Musk ngoài việc phải thanh toán 1 tỷ USD tiền phạt còn phải vướng vào một đợt kiện cáo kéo dài khác đầy tốn kém.
Bên cạnh đó như những gì thương vụ Tiffany từng diễn ra vào năm 2020, đây có thể là chiến lược để Elon Musk mặc cả lại giá mua bởi Twitter chẳng có nhiều lựa chọn ngoài việc đàm phán lại với nhà sáng lập Tesla. Bản thân mạng xã hội này cũng không muốn cuốn vào cuộc chiến pháp lý dai dẳng đầy tốn kém.
Các nhân viên của Twitter sẽ từ bỏ công ty nếu họ không thấy có tương lai trong bối cảnh mạng xã hội vướng vòng kiện cáo. Thêm nữa, Twitter cũng đang phải cắt giảm chi phí với việc cắt bỏ 2 giám đốc điều hành, qua đó cho thấy mạng xã hội này đang khá eo hẹp về tài chính.
Khi Elon Musk đề nghị mua lại với mức giá 54,2 USD/cổ, hội đồng quản trị của Twitter thậm chí còn chẳng thèm mặc cả bởi không có người mua nào chấp nhận mức giá này ngoài nhà sáng lập Tesla.
Trước đó ngày 26.4 (giờ Việt Nam), hội đồng quản trị Twitter chấp thuận đề nghị của tỉ phú giàu nhất thế giới Musk về mua lại toàn bộ mạng xã hội này với giá 44 tỉ USD bằng tiền mặt. Thỏa thuận đã được thông qua và dự kiến hoàn tất trong năm nay.
Nỗ lực thâu tóm mạng xã hội Twitter của tỉ phú giàu nhất thế giới được ông khẳng định không phải vì vấn đề kinh tế. Ông Musk khi đó tuyên bố muốn “mở khóa” tiềm năng to lớn của Twitter.
Ông Musk cũng đã từng tuyên bố rằng một trong những ưu tiên của ông là loại bỏ “robot spam” khỏi Twitter.
Một điều thú vị là sau thông báo của tỉ phú Musk, trong khi giá cổ phiếu Twitter giảm, giá cổ phiếu của Tesla lại tăng.
Musk là ông chủ của cả Tesla và SpaceX với khối tài sản ước tính khoảng 240 tỉ USD, theo Forbes. Nhưng phong cách làm chủ của ông với các phát ngôn gây sốc đã thường xuyên khiến ông phải hứng chịu các chỉ trích từ nhiều người, kể cả quan chức.
Phạm Hùng