419
category
451106

Twitter, Telegram,… nơi chứa chấp những vi phạm pháp luật và mất chuẩn mực đạo đức

Komi 22/11/2020 18:09

Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là hành vi phạm pháp hình sự có hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam (Theo Điều 326 Bộ luật Hình sự). Tuy nhiên, những hành vi này càng ngày càng được phổ biến, công khai hóa trên các trang mạng xã hội mà chưa cơ quan Nhà nước nào có động thái xử lý.

Twitter, Telegram là hai trong số những nền tảng mạng xã hội thu hút được đông đảo người Việt Nam sử dụng trong thời gian gần đây. Về tính năng, tiện ích, các nền tảng này không có nhiều điểm nổi bật so với những trang mạng xã hội lớn, được tin dùng tại Việt Nam từ trước đến nay như Facebook, Youtube, Zalo… Tuy nhiên, về nội dung, hai trang mạng xã hội này là điển hình khi cho phép người dùng đăng tải công khai những nội dung khiêu dâm, đồi trụy.

Trên Twitter, không khó để tìm kiếm hàng nghìn những tài khoản của người dùng Việt Nam đăng tải, chia sẻ hình ảnh, video clip có nội dung khỏa thân, khiêu dâm, quan hệ tình dục… tại “trang cá nhân”. Thậm chí, nhiều tài khoản còn đăng tải video, ảnh khiêu dâm dưới dạng “hàng hóa”, tức kêu gọi người dùng khác trả phí để xem được thời lượng video khiêu dâm dài hơn, không bị che… Đỉnh điểm, có cả những video được đăng tải mà chú thích kèm theo lại khẳng định độ tuổi của những nhân vật trong video khiêu dâm còn chưa đủ 16 tuổi.

Trên Telegram, do hoạt động dưới cách thức là các nhóm nên hoạt động chia sẻ video khiêu dâm, đồi trụy có phần “riêng tư” hơn so với Twitter. Để xem được nội dung, người dùng phải tham gia vào một nhóm chat theo những “nội quy” nhất định do người tạo nhóm lập ra. Nhưng, những nội quy này đặt ra cũng chẳng phải để hạn chế người chưa đủ tuổi tham gia mà chỉ theo những ý muốn chủ quan nhất định của một cá nhân, tập thể nào đó.

Dù hoạt động theo cách nào thì Twitter hay Telegram cũng vẫn đang là nơi ẩn chứa hiên ngang của những nội dung khiêu dâm, đồi trụy. Đây có thể là lý do chính mà hai nền tảng này liên tiếp lôi kéo được thêm nhiều người dùng tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nhà mạng viễn thông triển khai chặn các trang web có nội dung khiêu dâm từ cuối năm 2019.

Phạm pháp, băng hoại đạo đức hiên ngang và dễ dàng?

Xin được khẳng định, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (bao gồm hành vi đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội những video có nội dung khiêu dâm) không những là hành vi phạm pháp hình sự mà còn lệch chuẩn đạo đức truyền thống.

Về mặt pháp lý, việc các tài khoản trên mạng xã hội Twitter, Telegram đăng tải, chia sẻ hình ảnh, video khiêu dâm là đã vi phạm Điều 326 Bộ Luật Hình sự quy định tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Tùy theo mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền, phạt tù, bị cấm hành nghề, làm những công việc nhất định… Chưa hết, trong những tình huống có liên quan tới người dưới 16 tuổi (điển hình là việc khẳng định người trong video clip khiêu dâm là dưới 16 tuổi), hai hành vi phạm pháp hình sự khác có thể được cấu thành đồng thời là Tội quan hệ tình dục với người dưới người dưới 16 tuổi và Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Quy định tại Điều 145, 147, Bộ luật Hình sự).

Về mặt đạo đức xã hội, việc công khai hóa những hình ảnh, video clip khỏa thân, dù là nam hay nữ đều là đi ngược lại với những chuẩn mực văn hóa truyền thống tại Việt Nam. Nhất là khi những điều này tác động đến giới trẻ thì hậu quả về đạo đức xã hội sẽ càng trở nên nghiêm trọng.

Vậy mà, quá trình đi đến hành vi phạm pháp, băng hoại đạo đức này lại quá dễ dàng và hiên ngang. Chỉ với một số điện thoại (có thể dùng sim rác), người dùng đã có thể đăng ký tài khoản và sử dụng Twitter hoặc Telegram. Không hề có bất cứ một khâu kiểm duyệt nào được thực hiện để kiểm tra độ tuổi, xác minh thông tin, hình ảnh… từ phía người sử dụng. Vì thế mà đối tượng sử dụng Twitter, Telegram có thể bao gồm nhiều người chưa thành niên. Đáng lo ngại!

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng!

Thứ nhất, trong khi việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thông qua các phương tiện thông tin truyền thống (sách, báo, băng, đĩa,…) đã bị kiểm soát, xử lý tương đối nghiêm thì việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thông qua Internet hầu như vẫn tự do, mất kiểm soát. Đây rõ ràng là một vấn đề rất lớn, khi số lượng người tiếp cận, sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam ngày càng đông. Một hành vi phạm pháp mà được tồn tại quá lâu thì liệu có làm thay đổi, lệch lạc nhận thức xã hội về vấn đề này hay không?

Thứ hai, Luật An ninh mạng được ban hành năm 2018 trở thành cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ để cơ quan Nhà nước có cơ sở xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng mà còn để buộc các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải tuân thủ pháp luật và phối hợp với cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực thi pháp luật trên nền tảng do công ty đó cung cấp.

Ở đây, Twitter, Telegram cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, không được để những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam tồn tại trên nền tảng của họ.

Trật tự pháp luật, truyền thống đạo đức tuyệt đối không thể bị phá bỏ. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Không có mạng xã hội như Twitter, Telegram… thì xã hội vẫn phát triển, nhưng không có pháp luật, không có đạo đức thì sẽ chẳng có xã hội, chẳng có Nhà nước nào nữa cả!

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều