‘Tượng Trung Quốc chuyển về Đà Lạt’ là tượng của khu du lịch Đại Nam?
Người mua tượng quân lính bị dư luận trên mạng xã hội nghi là ‘tượng Trung Quốc chuyển về Đà Lạt’ khẳng định toàn bộ tượng sản xuất tại Việt Nam và mang hình ảnh quân lính Việt Nam thời phong kiến.
Trong 2 ngày qua mạng xã hội lan truyền một số hình ảnh tượng quân lính thời phong kiến được chuyển từ Bình Dương về Đà Lạt trên các xe tải lớn.
Các tượng này được chia làm 3 nhóm đều mang vũ khí: quân phục toàn thân phủ màu nhũ vàng; quân phục có xe màu nhũ vàng và đỏ; mặc áo vải. Nhiều ý kiến cho rằng đây là tượng đất mô phỏng tượng quân lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng.
Một số ý kiến khác đặt nghi vấn một chủ đầu tư đang xây dựng một Tử Cấm thành kiểu Trung Quốc hoặc đang tổ chức kinh doanh du lịch tâm linh có yếu tố Trung Quốc.
Hoa văn chim lạc trên khiên của tượng quân lính được chuyển đến Đà Lạt từ Khu du lịch Đại Nam – Ảnh: ĐỨC THỌ
Xác minh của PV cho thấy toàn bộ 230 tượng nói trên do ông Ngô Quang Phúc – chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group, trụ sở tại Đà Lạt) – mua lại từ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương).
Theo ông Phúc, đây là tượng cũ được đúc tại Việt Nam đã hơn 10 năm. Trước khi ông mua, tượng được đặt ở khu du lịch Đại Nam.
Ông Phúc khẳng định toàn bộ tượng này đều là tượng quân lính Việt Nam thời phong kiến, quân phục trên áo giáp và khiên của tượng có hoa văn chim lạc in nổi, tương tự như trên trống đồng Đông Sơn.
Trao đổi với PV, ông Phúc nói: “Tôi thấy tượng đẹp, giá dễ chịu thì mua cất trong khu đất của mình để sau này có thể dùng đặt trong khuôn viên nhà, hoặc có thể dùng kinh doanh.
Hiện tại tôi chưa có ý tưởng nào để sử dụng các tượng này. Đang cao điểm dịch COVID-19 nên chúng tôi chưa có ý định đầu tư dự án mới. Các tượng cũ, đã sử dụng công khai nên tôi nghĩ các ý kiến trên mạng xã hội đang hiểu nhầm.”
Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra số tượng do ông Phúc mua.
MAI VINH/TTO