8
category
323005

Tướng Phùng Thế Tài và chuyện tuyệt mật về chuẩn bị lễ tang Bác Hồ

31/08/2019 10:07

Trong hồi ký của cố Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920 -2014), nguyên Tư lệnh Phòng không Không quân đã kể câu chuyện rất xúc động về những ngày làm công tác tuyệt mật chuẩn bị lễ tang của Bác Hồ cách đây hơn nửa thế kỷ.

tuong phung the tai va chuyen tuyet mat ve chuan bi le tang bac ho hinh anh 3
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc Điếu văn trong Lễ tang của Hồ Chủ tịch (ảnh tư liệu).

Cố Thượng tướng Phùng Thế Tài kể trong hồi ký: Ngay từ năm 1967, vào dịp sinh nhật lần thứ 77 của Bác, trong một cuộc họp tuyệt mật ông được tham dự để phổ biến chủ trương của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị lễ tang và giữ gìn thi hài của Bác.

“Tôi đã suýt bật khóc trước mọi người vì tưởng Bác lúc đó đã mất vì mới hôm qua Bác vừa gửi thư khen bộ đội phòng không bắn rơi chiếc A3J (RA5C) trên phố Lê Trực, Hà Nội sao hôm nay lại bàn chuyện tổ chức lễ tang cho Bác. Nhưng tôi đã kịp kiềm chế được. Tôi được phân công tổ chức tiến hành từng bước chuẩn bị tang lễ cho Bác và được cử sang Liên Xô, Bun – gari, tìm hiểu cách thức tổ chức quốc tang của Lê –nin, Đi –mi –trốp. Tôi phải sang tận Mông Cổ mua mấy con ngựa về đưa vào chương trình tập luyện, vì có phương án dùng ngựa kéo xe quan tài”, Thượng tướng Phùng Thế Tài cho biết.

Tướng Phùng Thế Tài là một trong những người phải trực tiếp đêm đêm chỉ huy bộ đội, chủ yếu là những chiến sĩ cảnh vệ Lữ đoàn  144, tập luyện cho những người khiêng linh cữu Bác trong quá trình tang lễ. Ông đã nhấn mạnh, đây thực sự là những đêm đau lòng đến thắt ruột, thắt gan. Linh cữu chỉ có cát, nặng khoảng 200 kg, thế mà các chiến sĩ phải tập đi tập lại rất nhiều lần, phải làm sao cho thật nhẹ, thật êm, thật thăng bằng, sao cho bát nước đầy để trên linh cữu không tràn ra ngoài dù chỉ là một giọt mới đạt yêu cầu, kể cả xuống các bậc thềm của Hội trường Ba Đình.

tuong phung the tai va chuyen tuyet mat ve chuan bi le tang bac ho hinh anh 2
Hồ Chủ tịch qua đời vào ngày 2/9/1969 trong niềm tiếc thương vô hạn của dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế (ảnh tư liệu).

“Tôi đứng kiểm tra anh em tập, nhìn chiếc quan tài nằm trên vai các chiến sĩ mà nước mắt cứ trào ra vì nghĩ rằng rồi đây trong chiếc quan tài đó sẽ là thi hài của Bác, một việc mà tôi không bao giờ muốn nghĩ đến sẽ có ngày xảy ra. Những đêm tập như thế thường có đồng chí Kim Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ đứng bên cạnh tôi và tôi phải cố sức kiềm chế để không cho ai biết mình đang khóc. Thường khoảng 4 giờ sáng buổi tập mới xong, tôi lên xe trở về nhà buồn không nói đâu cho hết. Vợ con hỏi đi đâu về, tôi cũng không buồn trả lời, thực ra là không dám trả lời vì phải giữ bí mật tuyệt đối”, Thượng tướng Phùng Thế Tài viết.

Tất cả đều trong trạng thái tuyệt mật, không được hé ra với ai, kể cả người thân nhất về công việc mình đang làm. Việc chuẩn bị lễ tang cho Bác, việc chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác, việc di chuyển thi hài Bác từ Hà Nội lên khu Đá Chông, rồi từ khu Đá Chông về lại Ba Đình, theo Tướng Phùng Thế Tài đó thực sự là cuộc hành quân lịch sử. Ông được giao phụ trách tất cả từ đầu đến cuối.

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết 50 năm gìn giữ lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Hồ Chủ tịch, những câu chuyện về nhiệm vụ tuyệt đối bí mật đã được kể. Ngày 2/9/1969 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu), Hồ Chủ tịch qua đời. Theo đúng kế hoạch, thi hài Bác được chuyển về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Sau lễ truy điệu được cử hành vào ngày 9/9/1969 tại Quảng trường Ba Đình, thi hài Hồ Chủ tịch được đưa về công trình 75A chuẩn bị cho việc gìn giữ lâu dài.

Theo Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 6 năm kể từ khi Bác qua đời năm 1969 đến 1975, thi hài của Người được di chuyển tổng cộng 6 lần do nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau. Chuyến thứ 6 là chuyến cuối khi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành.

tuong phung the tai va chuyen tuyet mat ve chuan bi le tang bac ho hinh anh 1
Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các giáo sư, bác sĩ bên giường bệnh của Bác năm 1969 (ảnh tư liệu).

Trở lại với hồi ký của Tướng Phùng Thế Tài, ông còn viết về những kỷ niệm xúc động không thể nào quên. Đó là lần ông lên kiểm tra khu vực Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội nơi giữ gìn thi hài Bác, có mật danh K9, một vùng đất hẻo lánh, vắng vẻ, khi tới đây ông thường đến thẳng tổ chuyên gia Liên Xô giúp ta giữ gìn thi hài Bác, do giáo sư –viện sĩ Đê Bốp phụ trách thăm hỏi ân cần.

“Mỗi lần như thế tôi cứ suy nghĩ mãi về những con người này, về chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô , với cương vi của mình, chắc chắn họ có đủ điều kiện để sống một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, bên cạnh gia đình, vợ con. Thế mà giờ đây họ vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, buồn tẻ trong một khu rừng vắng để góp phần giữ gìn thi hài cho lãnh tụ một đất nước xa xôi cách quê hương họ nửa vòng trái đất”, Thượng tướng Phùng Thế Tài viết.

tuong phung the tai va chuyen tuyet mat ve chuan bi le tang bac ho hinh anh 4
Sinh thời Thượng tướng Phùng Thế Tài có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ (ảnh infonet.vn).

Để giải khuây, Đê Bốp nhờ anh em Việt Nam mua cho một con vẹt và một chiếc lồng thật đẹp để nhìn ngắm trêu đùa giúp quên đi nỗi buồn xa quê hương, đất nước.

Bỗng một hôm con vẹt sổng chuồng bay mất, trong lúc Viện sĩ Đê Bốp đang ngủ say sưa sau một ca trực đêm căng thẳng. Mọi người lo lắng, nghĩ đến lúc Đê Bốp tỉnh dậy không thấy con vẹt của mình thì sẽ buồn biết bao. Giữa lúc đó Tướng Phùng Thế Tài tình cờ đến nơi. Ông đã chỉ thị cho Đoàn trưởng Nguyễn Gia Quyền cho người đánh xe ô tô về Hà Nội vào chợ Đồng Xuân mua con vẹt khác. Dự đoán phải 10 giờ sáng Đê Bốp mới ngủ dậy nên thời hạn mua vẹt phải về trước 10 giờ.

Vị tướng này cũng động viên anh em vào rừng tìm con vẹt may ra có thể thấy. Nghe Tướng Phùng Thế Tài nói vậy, mọi người nhìn nhau cười “có vẻ chế nhạo”, bởi đó là việc không tưởng.

Thế nhưng điều không ngờ đã diễn ra. Anh em đã tìm thấy con vẹt của Đê Bốp  đang ngơ ngác đậu trên một cành cây gần nhà và tìm được cách đưa về. Khi Đê Bốp tỉnh dậy rất ngạc nhiên thấy trong lồng chim có hai con vẹt. Đê Bốp siết chặt tay Thượng tướng Phùng Thế Tài rồi ôm hôn thắm thiết, miệng liên tục nói “Khơ –ra –xô, Khơ –ra –xô! Rồi tiếp đó là lời cảm ơn rối rít “Xi- pa-xi –bơ, Xi-pa-xi-bơ” (cám ơn). “Đây là từ mà từ ngày Đoàn chuyên gia Liên Xô sang, ngày nào tôi cũng phải dùng đến hàng chục lần”, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể.

Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920 -2014, tên khai sinh là Phùng Văn Thụ); Bí danh: Nghĩa (ở Vân Nam) , Hữu Tài (ở Cao Bằng), sinh tháng 2/1920. Quê quán xã Do Lễ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội).

Trong quá trình hoạt động cách mạng và chiến đấu ông trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau trong quân đội. Năm 1962, ông giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không; đến năm 1963, là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng khộng Không quân.

Năm 1967, ông được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; (tháng 6/1976 đến tháng 8/1978) ông được giao nhiệm vụ kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hàng không dân dụng). Tháng 9/1987, ông nghỉ hưu.

Ông được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 4/1974; quân hàm Trung tướng tháng 1/1980; quân hàm Thượng tướng tháng 1/1986.

Do có nhiều công lao, đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tướng Phùng Thế Tài

Đọc nhiều