Tướng Phan Anh Minh đề xuất tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức

06/10/2020 14:19

Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng cần có nghị quyết của Quốc hội để tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức sau khi được thành lập.

Sáng 6-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộcTP.HCM giai đoạn 2019-2021.

Tướng Phan Anh Minh đề xuất tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức - ảnh 1
Ông Phan Anh Minh góp ý tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Góp ý cho đề án thành lập TP Thủ Đức, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng thành phố mới này được sáp nhập từ ba quận quận 2, 9 và Thủ Đức, nếu thẩm quyền vẫn chỉ như một đơn vị hành chính cấp huyện, trong khi giao cho một khối lượng quản lý rất lớn, thu ngân sách và dân số thậm chí còn lớn hơn một số tỉnh thì rất khó thực hiện.

“Ông chủ tịch, ông trưởng công an và tất cả trưởng ban ngành của TP Thủ Đức đều là thẩm quyền cấp huyện mà làm những chuyện lớn hơn, liệu có làm được không. Hiện nay chiếc áo đang mặc là rất chật, bây giờ ba người lại mặc chung cái áo thì liệu có giải quyết được không. Nếu chúng ta không tính toán điều này thì sẽ không giải quyết được”- ông Minh nói.

Theo ông Minh, thẩm quyền của các đơn vị hành chính cấp huyện vẫn bị trói buộc về các luật, như Luật Đất đai, Đầu tư, Ngân sách… nếu giao quản lý rất rộng nhưng thẩm quyền phải xin ý kiến ba tầng thì không giải quyết được vấn đề gì.

“Do đó, phải xin Quốc hội có nghị quyết tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt này (TP Thủ Đức – PV), kể cả thẩm quyền về xử phạt hành chính”- ông Minh nói.

“Chứ như hiện nay, trưởng công an 24 quận huyện, nếu bổ nhiệm phụ trách tới ba quận thì chắc không ông nào muốn nhận chức…”- ông Minh chia sẻ thêm.

Đối với đề án sáp nhập các phường trên địa bàn TP.HCM, ông cho rằng theo kinh nghiệm khi còn công tác, cần đưa một số số liệu vào đề án ở các đơn vị sáp nhập.

Cụ thể như cần tính toán khối lượng công việc ở đơn vị sau khi sáp nhập khác với đơn vị hành chính cũ như thế nào, tăng nhân lực ra sao. Như ở phường 12, quận 5 đang tập trung rất nhiều bệnh viện lớn của TP và Trung ương. Nếu tính bệnh nhân điều trị dài hạn nội trú và số thân nhân đi nuôi người bệnh thì chỉ có công an phường 12 chưa đủ sức giải quyết tình trạng lấn chiếm lề đường trước Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Thế bây giờ nhập vào lại thêm quản lý một mớ chuyện khác nữa thì khối lượng công việc đề án phải tính trước, đừng nói rằng nhập là giảm được biên chế, đôi khi ban đầu phải tăng thêm biên chế để giải quyết công việc cho dân”- ông Minh nói.

Theo ông Minh, một yêu cầu khác cần đặt ra trong đề án là tính ổn định lâu dài. “Chúng ta phải tính khi hình thành thành phố mới là TP Thủ Đức thì có bao nhiêu dự án mới, mở rộng Khu Công nghệ cao như thế nào và sẽ thu hút bao nhiêu công nhân và cư dân vãng lai để tính toán khối lượng quản lý”- ông Minh nói.

Để ổn định lâu dài, ông cũng cho rằng cần tính toán tránh xáo trộn cho người dân. “Ở TP có những bài học kinh nghiệm là có những tên đường, địa danh đổi tên tùy tiện quá, có nơi đổi tên ba lần mà vẫn chưa vừa lòng, muốn đổi nữa, mỗi lần đổi là không chỉ “chết” dân mà cán bộ quản lý hành chính địa bàn đó cũng “chết”, công an đi xác minh lục lại những tên cũ… bây giờ nhiều anh em trẻ trẻ không làm được”- ông Minh nói.

Do đó, ông Minh cho rằng muốn ổn định lâu dài, ổn định người dân thì có cần thiết đặt tên phường mới là phường Võ Thị Sáu (quận 3) như trong đề án. “Tôi rất tán thành tên Võ Thị Sáu xứng đáng ở địa danh nào đó, nhưng có phù hợp đặt tên phường không? Về lịch sử có gắn gì với địa phương đó không? Chẳng qua chỉ có trục đường chính mang tên Võ Thị Sáu ở đó”- ông nói.

Theo ông Minh, để ổn định cho người dân và tránh xáo trộn khi nhập 3 phường mà lại lấy tên mới, tức là tất cả toàn bộ cư dân đó phải thay đổi giấy tờ, tất cả các dịch vụ, cơ quan ban ngành có giao dịch với người dân cũng bị ảnh hưởng.

“Vậy tại sao bắt buộc phải đổi tên mới. Theo tôi để tránh xáo trộn và giảm ít nhất hệ lụy cho người dân thì nên chọn một tên cũ để giữ lại làm tên phường mới, ví dụ như nhập 3 hay 2 phường thì chọn một tên cũ để giữ lại, như thế một phần dân cư đó không bị xáo trộn. Còn nếu buộc phải đổi tên phường thì cần lý giải cho rõ ràng và phải đảm bảo rằng đây là lần đổi cuối cùng, chứ sau lại đổi nữa lại “chết” dân”- ông Minh nói.

TÁ LÂM/PLO

Đọc nhiều