Tướng Phạm Văn Trà nhắc nội dung Tuyên ngôn Độc lập khiến người Mỹ vỗ tay

02/09/2020 08:43

Trong chuyến thăm Mỹ năm 2003, đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có nhắc một phần nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam khiến người Mỹ vỗ tay tán dương.

Cách đây 17 năm, vào năm 2003, đại tướng Phạm Văn Trà là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Việt Nam đầu tiên đến thăm Mỹ. Ông đã kể với phóng viên về những điều đặc biệt trong chuyến thăm lịch sử này.

Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, nước bạn có mời Bộ Quốc phòng sang thăm. Lúc đầu Bộ Chính trị thống nhất để Thủ tướng Chính phủ đi thăm trước, còn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sang thăm sau. Tuy nhiên do phía Mỹ mời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước nên Bộ Chính trị quyết định để ông đi, năm đó là 2003.

Đại tướng Phạm Văn Trà (SN 1935, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Nguyễn Dương).

“Chúng tôi sang thăm thì thấy bên Mỹ đón tiếp đàng hoàng lắm, họ cho chúng tôi đi tham quan nhiều nơi, nhưng sau đó mời đến Viện Chiến lược, ở đó toàn những người Mỹ lớn tuổi là những tướng lĩnh, cán bộ ngoại giao, khoảng 70 tuổi trở lên”, đại tướng Phạm Văn Trà kể.

Trong cuộc trò chuyện ở Viện Chiến lược, người Mỹ đã dành cho đại tướng Phạm Văn Trà 17 câu hỏi trực tiếp, hoàn toàn nằm ngoài sự chuẩn bị của ông, trong đó có 5 câu hỏi được ông đánh giá là “hóc búa”.

Câu thứ nhất người Mỹ hỏi đại tướng Phạm Văn Trà, vì sao khi nhắc đến tên Việt Nam, người ta hay nói đến “sức mạnh của người dân Việt Nam”?

Đại tướng Phạm Văn Trà giải thích ngắn gọn: Trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam luôn phải phải đương đầu với các cuộc chiến tranh, chủ yếu do thực dân Pháp cai trị, người dân vô cùng cực khổ.

Sau khi giành được độc lập năm 1945, Bác Hồ cùng chính quyền đã tập trung “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt” cho dân và tiếp tục chống giặc ngoại xâm. Người dân thấy chính quyền bảo vệ dân, ủng hộ dân như vậy nên người dân thấy rằng phải yêu mến chính quyền, yêu mến chế độ. Do đó, nhân dân đã cho con cháu mình đi bộ đội để bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ. Chính quyền biết lo cho dân, nhân dân sẽ bảo vệ chính quyền và chế độ, từ đó tạo nên sức mạnh của người dân Việt Nam.

Câu hỏi thứ 2 người Mỹ dành cho đại tướng Phạm Văn Trà, đó là: Tại sao đoàn của các ông lại đến thăm đài tưởng niệm cố Tổng thống Washington (Tổng thống đầu tiên của Mỹ)?

Tướng Trà đáp lời “Chúng tôi rất quý trọng cố Tổng thống Washington, Bác Hồ của chúng tôi đã lấy một câu trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ) vào Bản Tuyên ngôn Độc lập của chúng tôi. Đó là câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Câu đó phù hợp với dân tộc chúng tôi, chính vì thế chúng tôi quý trọng và đến thắp hương tưởng nhớ”.

Vị tướng 85 tuổi kể, sau khi ông trả lời xong câu thứ 2, rất nhiều người Mỹ đã vỗ tay tán dương.

Với câu hỏi thứ 3, người Mỹ cho rằng, lính Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn sống và nghi ngờ phía Việt Nam vẫn còn giữ họ. Đại tướng Phạm Văn Trà đã thẳng thắn đáp lời, đối với tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh, đất nước và dân tộc Việt Nam luôn có thiện cảm, luôn xem vấn đề đó là nhân đạo, không coi đó là vấn đề chính trị. Việt Nam không bao giờ để tù binh Mỹ còn sống mà không trả lại.

“Nếu các ông thấy lính Mỹ còn sống ở đâu trên đất nước Việt Nam, tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ sẵn sàng dùng trực thăng đưa trả tận nơi”, tướng Trà kể lại.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kể tiếp, câu hỏi thứ 3 người Mỹ dành cho ông là: Tại sao các ông luôn nói các ông quan tâm đến người dân nhưng kỳ thực không có quan tâm. Họ dẫn chứng đi từ Mục Nam Quan, Lạng Sơn đến mũi Cà Mau phải một tháng trời mới tới do đường xá quá xấu? Tướng Trà liền hỏi lại, thế các ông đi năm nào, họ nói là đi năm 1985.

Vị tướng dày dạn trận mạc kể tiếp: Tôi nói luôn, trong thế kỷ 20 chúng tôi chỉ có 11 năm hòa bình. Từ đầu thế kỷ đến năm 1945, dân tộc chúng tôi bị thực dân Pháp cai trị. Từ năm 1945 sau khi giành độc lập, dân tộc Việt Nam lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp đến năm 1954. Sau giai đoạn 1954-1975, là thời gian kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1975-1989 là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Tôi nói rõ như vậy để họ thấy, thực sự trong thế kỷ 20, Việt Nam chỉ có 11 năm hòa bình. Tôi nhấn mạnh nếu được hòa bình như nước Mỹ có lẽ chúng tôi cũng sẽ không kém gì, đất nước tôi như vậy là do chính các ông chứ không phải do chúng tôi.

Còn câu hỏi thứ 5 người Mỹ quan tâm đến vấn đề Biển Đông và hỏi đại tướng Phạm Văn Trà, Việt Nam làm gì để bảo vệ lãnh thổ của mình khi bị nước khác chiếm đóng trái phép?. Tướng Trà chỉ ngắn gọn bằng quan điểm: Việc giải quyết các mâu thuẫn trên Biển Đông đều phải dựa trên luật pháp quốc tế.

Nguyễn Dương/DT

Đọc nhiều