Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc qua đời
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người có nhiều góp ý và kiến nghị công khai về đổi mới Việt Nam qua đời tại bệnh viện ở Hà Nội hôm 26/12/2019, ở tuổi 104.
“Chúng tôi thực lòng chưa muốn nói gì chính thức với chỗ nào cả, nhưng cũng không hiểu là ở đâu mà nó lại rò rỉ tin ấy ra, thôi thì đành mọi người đã biết rồi thì tôi cũng xác nhận là cụ đã đi, nhưng còn các việc khác thì còn đang sắp xếp,” nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, con gái của cựu Đại sứ nói.
“Tôi nghĩ Bộ Ngoại giao rất nhiệt tình và họ cũng sẵn sàng cùng với gia đình để tổ chức một tang lễ cho nó xứng đáng với cụ.
Về quan tâm, thăm nom, chăm sóc của nhà nước, chính quyền và ngành y tế với Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trong thời gian ông lâm bệnh, bà Nguyên Bình cho biết: “Nhà nước ở Khoa Nội A của Bệnh viện Hữu nghị thì họ quan tâm, tìm mọi cách để có thể giúp đỡ được cụ…
Bộ Ngoại giao, có một vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đến thăm và có Hội Cựu Chiến binh, rồi Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Rồi cơ quan Tổng Cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), thực ra lúc đầu họ cũng chưa biết là cụ bị đi bệnh viện, mà họ đến để họ mời cụ (dự) một số ngày kỷ niệm, các hoạt động kỷ niệm. Nhưng khi đến họ biết là cụ nằm bệnh viện, thì họ thăm hỏi.”
Những gì dặn lại
Về những gì cựu Đại sứ dặn dò lại khi còn tỉnh táo, bà Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội Việt Nam, nhà nghiên cứu Trung Quốc học, nói: “Thực ra, lúc nào cụ cũng lo lắng việc của đất nước, còn việc của gia đình, cụ đã sắp xếp và gia đình nhà tôi cũng rất là đơn giản, không có gì mà cụ phải dặn dò kỹ lưỡng.
Cụ chỉ dặn tôi là khi mà cụ đi, cụ không muốn tốn kém về đất đai rồi làm điếu phúng linh đình, cho nên cụ bảo và muốn làm là hóa thân, tất cả mọi sự cụ muốn là đơn giản, bởi vì sống mới là quan trọng, còn lúc ra đi thì cũng không nên làm gì rườm rà, phức tạp.
Nhưng cụ có bảo với tôi là bây giờ đang lo lắng về việc những con đường mà Trung Quốc muốn mình làm và họ có ý rằng muốn giúp đỡ, muốn cho vay tiền để làm. Thì biết rằng những đường ấy là nó có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn, chứ Việt Nam vay thì tốn tiền, rồi nợ không trả được, những cái lợi ích về kinh tế thì không có cái gì. Ví dụ cụ nói là về đường sắt cao tốc.
Tôi có hỏi là đường sắt cao tốc, Quốc hội trước đây đã bác đi rồi, thì cụ còn lo làm gì, thì cụ nói: bây giờ ông Tổng thống Mỹ Donald Trump ‘đánh’ Trung Quốc ghê quá, bây giờ có thể hàng hóa Trung Quốc họ không bán được sang Mỹ, hoặc sang các nước châu Âu, thì họ sẽ bán xuống Đông Nam Á thì họ cần cái đường sắt để họ vận chuyển.
Trước kia đã bác đi rồi, nhưng biết đâu họ lại đồng ý thì sao? Cho nên rất là muốn cảnh tỉnh chuyện ấy, là một. Thứ hai là đường Vân Nam – Hải Phòng, thì cũng rất là không hay gì cả, bởi vì đường ấy chẳng có lợi gì, Hải Phòng có gì để trở ngược cho Vân Nam đâu? Mà chính là hàng hóa từ Vân Nam họ muốn ra biển.
Họ chở hàng hóa trong nội bộ Trung Quốc thì còn khó khăn hơn là đi qua Việt Nam, đi qua Hải Phòng, đi từ Vân Nam tới Hải Phòng thì thuận lợi hơn là đi xuyên qua những dẫy núi ở phía Nam Trung Quốc để ra cảng Phòng Thành.
Thế thì cụ bảo đường ấy chẳng có cái gì lợi cho Việt Nam mà lại lại làm đắt tiền, rồi lại phải vay tiền họ. Vay tiền họ rồi lại lệ thuộc vào họ, chẳng được ích lợi gì cho mình, thì mình làm làm cái gì?
Cụ rất muốn nhắc nhở chuyện ấy, nhưng mà tôi lúc ấy cũng chần chừ, chưa muốn đưa lên, hóa ra bây giờ cụ đi mất rồi, thành ra cũng không nói được chuyện ấy nữa!,” con gái cố Đại sứ, bà Nguyễn Nguyên Bình nói.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sinh năm 1916 trong một gia đình nghèo ở xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1937 và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đảng, nhà nước và quân đội tại Việt Nam, như Cục trưởng Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chính ủy Quân khu 4 (1958).
Năm 1959, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, là Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN khoá III, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Về ngoại giao, ông từng hoạt động tại Lào, làm trưởng đoàn cố vấn chính phủ trong mười năm (1964-1974), đặc biệt, trong 13 năm từ 1974-1987, ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Pakistan (1974). Đây là thời điểm mà quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có căng thẳng.
Cao điểm căng thẳng ấy là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, khi Trung Quốc đưa quân đồng loạt tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam vào tháng 2-1979. Cùng lúc, Việt Nam phải tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giải thoát nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng dưới thời Khmer Đỏ.
Năm 1987 ông kết thúc 4 nhiệm kỳ đại sứ và về nước. Năm 1990, sau khi nghỉ hưu, ông tham gia công tác tại Hội Cựu chiến binh Việt Nam vừa thành lập, ông là ủy viên Ban chấp hành lâm thời, Phó chủ tịch Hội (1990 – 1997). Ông được nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Nguyễn Anh