“Tương lai đầy hứa hẹn”: Học giả Ấn Độ khen Việt Nam “làm rất tốt” dù thế giới đang khủng hoảng

07/02/2021 10:04

 

Theo Tiến sĩ Pankaj Jha, kinh tế Việt Nam “đạt được nhiều thành quả đáng chú ý” trong giai đoạn 2016-2020.

“Tương lai đầy hứa hẹn”: Học giả Ấn Độ khen Việt Nam “làm rất tốt” dù thế giới đang khủng hoảng

Trong bài bình luận được đăng tải trên trang Modern Diplomacy hôm 5/2, Tiến sĩ Pankaj Jha đên từ Trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Toàn cầu O P Jindal, Ấn Độ, đã khen ngợi kinh tế Việt Nam “đạt được nhiều thành quả đáng chú ý” trong giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, theo Tiến sĩ này, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,2% vào năm 2016, với hai lĩnh vực chính là công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, tạo động lực tăng trưởng cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Nhờ thành quả này, Việt Nam đã được chú ý hơn trên trường quốc tế trong vai trò một điểm đến sinh lợi, khả thi hơn và đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong giai đoạn 2016-2020, trung bình tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam dao động trong khoảng từ 6 đến 7%; và ngay cả khi đại dịch COVID-19 hoành hành trong năm 2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 2,9% – một trong những mức tăng trưởng cao nhất châu Á trong thời kỳ khủng hoảng.

Có thể nói rằng trong giai đoạn 2016-2020, thế giới đã trải qua nhiều suy thoái và khủng hoảng, nhưng Việt Nam vẫn là một ngoại lệ.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 200 tỷ USD lên 300 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người ở mức khoảng 2.100 USD vào năm 2016 đã đạt gần 2.700 USD sau 5 năm. Điều này có nghĩa là chỉ trong 5 năm, GDP và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 33%.

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 là 6,7%, trong khi lạm phát được duy trì ở mức ổn định là 3,8% – sự phục hồi này là thành quả của công cuộc chống dịch quyết liệt của Việt Nam và tăng cường trao đổi hợp tác với các đối tác thương mại, Tiến sĩ Pankaj nhận định.

Học giả này ghi nhận rằng trong 5 năm qua, Việt Nam đã có “những nỗ lực chân thành” trong việc thúc đẩy năng suất và củng cố những thể chế quản trị nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Chính những “thay đổi cơ cấu” trong chính sách và quản lý đã góp phần cải cách nền kinh tế và tạo ra một “sân chơi” bình đẳng, thúc đẩy khu vực tư nhân tại Việt Nam phát triển.

Việt Nam hiện được coi là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Á, Tiến sĩ Pankaj cho biết. Báo cáo cuối năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã ghi nhận Việt Nam “làm rất tốt trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng COVID-19 và đang trên đà phục hồi”, đặc biệt là khi Việt Nam phải chịu cả những hậu quả nặng nề do thiên tai và bão lũ.

Thặng dư thương mại và như dự trữ ngoại hối đang tăng, trong khi các khoản lỗ do thiệt hại trong ngành du lịch và lượng kiều hối giảm mạnh do đại dịch cũng đã được bù đắp bằng việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa.

“Với gần 55% dân số trong độ tuổi lao động trẻ dưới 35 tuổi, và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng nhanh chóng, nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn”, học giả người Ấn Độ kết luận.

Minh Ngọc

Đọc nhiều