Tướng cấp cao Iran “kiểu gì cũng phải chết” dưới bàn tay của Mỹ: Tại sao?
Việc Iran triển khai tên lửa tầm ngắn ở Iraq đã đặt TT Trump đứng trước sức ép phải tung ra lá bài chủ chốt và giành vị thế “cửa trên” trước bất cứ cơ hội đàm phán nào với Tehran.
Tên lửa Iran tại Iraq buộc Mỹ phải hành động
Vài tuần trước khi Mỹ không kích sát hại Thiếu tướng Qassem Soleimani – chỉ huy lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã xuất hiện những thông tin cho thấy Iran đang triển khai các tên lửa tầm ngắn ở Iraq để tăng cường vị thế chiến lược của mình trong khu vực.
Dưới góc nhìn của Mỹ, hành động này là không thể chấp nhận bởi việc bố trí các tên lửa tầm ngắn ở đây bộc lộ một mối đe dọa trực tiếp tới sự hiện diện của Quân đội Mỹ tại vùng Vịnh nói riêng và trên cả khu vực Trung Đông nói chung.
Việc tiêu diệt tướng Soleimani có làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ của Mỹ với Iraq và kích động các lực lượng Iran tấn công trả đũa Mỹ hay không chắc chắn là vấn đề mà Washington phải tính toán kỹ lưỡng, nhất là khi có sự hiện diện tên lửa của Iran ở Iraq.
Một thực tế đã được thừa nhận là Iran từ lâu luôn cố gắng thiết lập vai trò thống trị khu vực tại Iraq cũng như tại nhiều địa bàn khác trên khắp Trung Đông, chẳng hạn như Yemen và Syria. Đối thủ lớn của Iran ở Iraq trước đây là Saudi Arabia và hiện nay là Mỹ.
Tính tới tháng 9/2019, có khoảng 500 lính Mỹ đóng quân tại Iraq và các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn luôn tìm mọi cách để đánh đuổi lực lượng này ra khỏi lãnh thổ Iraq càng sớm càng tốt.
Vì vậy, hành động triển khai các tên lửa tầm ngắn được xem là động thái chiến thuật nhằm đạt được mục tiêu chiến lược: Biến việc đóng quân ở Iraq trở thành vấn đề có nguy cơ rất tốn kém cả về vật lực và nhân lực đối với Mỹ.
Vài tháng trước đây, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố ông không muốn xảy ra một cuộc chiến với Iran và sẵn sàng đối thoại với Tehran.
Tuy nhiên, trước việc Iran triển khai tên lửa tầm ngắn ở Iraq, ông Trump đã phải đứng trước sức ép tung ra lá bài của mình và phải đảm bảo giành được vị thế “cửa trên” trước bất cứ cơ hội đàm phán nào với Tehran.
Tướng Soleimani “kiểu gì cũng phải chết”
Ám sát tướng Soleimani đã mở ra cánh cửa cho Mỹ. Washington muốn biến Iraq trở thành một quốc gia “có chủ quyền và độc lập” không bị chi phối bởi các nước láng giềng như Iran.
Thế nhưng, bằng việc bố trí tên lửa tại Iraq, Iran đã củng cố được vị thế của mình tại đây, một động thái không thể chấp nhận được dưới góc nhìn của Mỹ và cũng là động thái Mỹ biết là bất khả thi nếu không có bàn tay của IRGC.
Do vậy, tấn công IRGC, tổ chức cũng nắm giữ các hệ thống tên lửa của Iran, Mỹ muốn tỏ rõ rằng nước này không cho phép bất cứ hành động xây dựng lực lượng nào Iran ở Iraq.
Mặc dù các hệ thống tên lửa và thông số kỹ thuật cụ thể không được đề cập chi tiết nhưng một số thông tin cho rằng chúng có tầm bắn xấp xỉ 1.000 km, tức dễ dàng có thể tấn công bất cứ lực lượng nào của Mỹ ở Trung Đông.
Bên cạnh đó, Iran cũng ủng hộ các hoạt động của Hezbollah ở Iraq. Iran đã cung cấp tên lửa cho Hezbollah cùng với các nhóm vũ trang có liên hệ với Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU) mà Tehran hậu thuẫn.
Nếu số tên lửa này rơi vào tay các tổ chức trung thành với Iran chúng sẽ khiến các sứ mệnh ngoại giao và kinh doanh của Mỹ ở Iraq đổ bể hoàn toàn. Đây là mối đe dọa mà Mỹ không thể để yên.
Thực tế, đó là lý do tại sao Mỹ không chỉ sát hại tướng Soleimani mà còn cả Abu Mahdi al-Muhandis- chỉ huy PMU, nhân vật ủng hộ Kataib Hezbollah. Trong khi đó, Kataib Hezbollah được Đặc nhiệm Quds hậu thuẫn mà chỉ huy của tổ chức này lại là Soleimani.
Nhóm vũ trang Kataib Hezbollah đã giành được nhiều ảnh hưởng và như vậy nếu sở hữu được các tên lửa Iran triển khai, họ chắc chắn sẽ tiến hành các vụ tấn công chết người nhằm vào hệ thống căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq.
Nước Mỹ đã từng tiến hành các cuộc không kích chính xác làm suy yếu khả năng của các nhóm dân quân tấn công căn cứ của mình tại Iraq. Với các hệ thống tên lửa tầm xa, trong tương lai, những nhóm dân quân này có thể tấn công các lực lượng Mỹ trên khắp vùng Vịnh.
Tuy nhiên, khi hai chỉ huy cấp cao của hai nhóm vũ trang chủ chốt đã bị loại trừ, thật khó cho lực lượng này giành được ưu thế và đạt được các lợi ích chiến thuật để truy đổi các binh lính Mỹ.
Cả hai nhân vật quyền lực này đều có uy tín và khả năng đưa ra những quyết định mạnh mẽ mà bất cứ lãnh đạo nào thay thế hiện nay cũng đều khó thực hiện.
Liệu điều đó có đồng nghĩa với việc Mỹ đã dọn đường lấy lại vị thế thống trị khu vực ở Iraq? Còn quá sớm để trở lời câu hỏi ngay lúc này. Cần phải chờ xem Iran sẽ phản ứng với Mỹ như thế nào trong thời gian tới đây.