130115
topics
373250

“Tung tin thất thiệt về dịch cần phải xử lý hình sự”

Hồng Anh 15/03/2020 17:26

Với hành vi tung tin đồn nhảm trên mạng về dịch đang diễn ra, nhiều người cho rằng ngoài phạt tiền, lao động công ích, cơ quan chức năng cần khởi tố một số vụ để răn đe.

Bộ Công an cho biết từ khi xuất hiện dịch Covid-19, cơ quan chức năng đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật về dịch bệnh; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người.

Cơ quan công an thống kê trên không gian mạng có gần 900.000 tin, bài, clip đăng tải liên quan đến dịch bệnh này. Trong đó rất nhiều nội dung chưa kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật gây hoang mang dư luận.

Người nổi tiếng cũng tung tin thất thiệt

Ngày 12/2, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính với mức 10 triệu đồng mỗi người với 3 nghệ sĩ gồm Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng và Ngô Thanh Vân vì cung cấp thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên Facebook, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội.

Song, 3 người nổi tiếng trên không phải là những người đầu tiên bị phạt tiền do tung tin đồn nhảm, thất thiệt về dịch bệnh.

'Tung tin that thiet ve dich can phai khoi to' hinh anh 1 tung_tin_sai.jpg
Nhiều người bị xử lý vì phao tin nhảm trên mạng nhằm câu like phục vụ bán hàng online.

Khuya 6/3, Hà Nội công bố N.H.H. (26 tuổi, trú Trúc Bạch, quận Ba Đình) là bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 ở thủ đô và ca thứ 17 trên toàn quốc. Ngay sau đó, mạng xã hội lan truyền thông tin sai sự thật, rằng N. đã dự khai trương hãng thời trang Uniqlo trên phố Phạm Ngọc Thạch và đến một quán bar ở Tạ Hiện trước khi cách ly.

Nhưng cơ quan chức năng sau đó xác định thực chất nữ bệnh nhân đã được cách ly từ ngày hôm trước.

Ngày 10/3, cảnh sát công nghệ cao đã triệu tập K.P.T. (36 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội) – người phao tin đồn sai sự thật về bệnh nhân số 17 nói trên, để xử phạt.

Gần đây nhất, ngày 13/3, cơ quan công an lập biên bản 3 phụ nữ ở Hà Nội do đăng tải, chia sẻ những thông tin thất thiệt liên quan đến bệnh nhân số 21 nhiễm Covid-19 (tên N.Q.T., trú quận Ba Đình).

Nhóm người này được xác định đã lên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin thất thiệt, cho rằng ông T. có “bồ nhí, con riêng”; khai báo y tế không trung thực. Sau khi bị triệu tập, họ đã thừa nhận sai phạm và khai do bản thân thiếu hiểu biết.

Theo thống kê đến nay, nhiều địa phương có nhiều người bị xử lý hành vi đăng tin thất thiệt liên quan dịch Covid-19, như Hà Nội 44 trường hợp, Lào Cai 6 người, Thanh Hóa hơn 20 cá nhân…

Cần thiết xử lý hình sự?

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam ghi nhận 53 ca dương tính (tính đến 11h ngày 15/3), thì hành vi tung tin sai sự thật về dịch Covid-19 khiến nhiều người lên án.

Trước thực tế nhiều người tung tin thất thiệt trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, nhiều ý kiến cho rằng các hình phạt hiện nay chưa đủ răn đe.

Độc giả Phạm Hồng Đô cho rằng: “Tung tin thất thiệt cần khởi tố, phạt tiền cùng với phạt tù với mức cao nhất theo luật định”. Ý kiến này nhận được không ít sự đồng tình.

“Những đối tượng này hình như phạt tiền không có tác dụng nhiều, đề nghị xem xét cho họ lao động công ích”, bạn đọc Mou hiến kế.

Liên quan hành vi phao tin thất thiệt, trong buổi tiếp Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam sáng 14/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam lên án hành động kỳ thị người bệnh và đã chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự những người phao tin đồn nhảm trên mạng xã hội về dịch bệnh Covid-19.

'Tung tin that thiet ve dich can phai khoi to' hinh anh 2 tin_don.jpeg
Bộ Công an cảnh báo nhiều tin đồn thất thiệt về dịch Covid-19. Ảnh: Bộ Công an.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính pháp), cho biết theo điểm d, Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng thì hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, làm thiệt hại kinh tế là vi phạm pháp luật.

Căn cứ Nghị định 15/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 4, cá nhân có hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc gây ra hậu quả sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định mới nêu rõ nếu cá nhân vi phạm hành vi này nhiều lần, không tuân thủ cam kết, gây nguy hiểm cho xã hội có thể bị xử lý hình sự.

Theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

Cùng quan điểm, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa), nhấn mạnh thêm việc lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức, cá nhân và gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng có thể bị xử lý hình sự.

Theo luật sư, nếu người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân, thì có thể truy cứu tội Vu khống, mức phạt tù cao nhất là 7 năm. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường dân sự.

Để chứng minh hậu quả gây ra nhằm xử lý hình sự, cơ quan chức năng cần xác định được thiệt hại về tài sản về mặt định lượng. Ở mức vi phạm nhẹ hơn, tùy tính chất, mức độ của hành vi gây ra hậu quả, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15/2020.

Đọc nhiều