Tự ý san lấp 5.000m2 rừng phòng hộ thủy điện Đắk R’Tih
Không có giấy phép, một cá nhân tự ý múc đất mở đường khiến hàng ngàn khối đất, đá lấp hơn 5.000m2 rừng phòng hộ bán ngập trồng dọc bờ hồ thủy điện Đắk R’Tih (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông).
Tại thôn Tân Hiệp (xã Đắk R’Moan, TP Gia Nghĩa), một tuyến đường dài khoảng 2km, mặt đường rộng 8m với vách taluy dương cao hơn 10m chạy bao quanh một phần lòng hồ thủy điện. Ngoài ra, có khu vực đường được chia nhánh, mở rộng và kéo dài lên phía trên đồi cao cả cây số.
Theo người dân, khoảng 1 tháng nay, nhiều máy múc, máy đào rầm rộ mở những tuyến đường vòng quanh hồ thủy điện, xẻ núi giống như để phân lô.
Lãnh đạo UBND xã Đắk R’Moan biết sự việc qua phản ảnh của Công ty Cây xanh Tây Nguyên (đơn vị trồng và chăm sóc rừng bán ngập tại lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih) nên cử đoàn kiểm tra và lập biên bản hiện trường, báo cáo thành phố xem xét, có biện pháp xử lý.
Qua kiểm tra, UBND xã Đắk R’Moan phát hiện 1 xe ủi đang dừng hoạt động, 1 xe múc đang múc bên taluy dương đổ xuống phía dưới lòng hồ và lấp lên nhiều cây rừng.
“Qua làm việc, tài xế khai có người thuê làm việc này nhưng không biết chủ thực sự thuê múc đất, làm đường này là ai. Hiện tại, công an xã đang xác minh ai là chủ sở hữu khu đất trên để xử lý theo quy định”, lãnh đạo xã Đắk R’Moan thông tin.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đắk Nông (đơn vị chủ đầu tư trồng rừng bán ngập dọc lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih), khi thủy điện Đắk R’Tih hoàn thành, đơn vị này đã tiến hành trồng hơn 160ha rừng phòng hộ bán ngập.
Qua kiểm tra, đo đếm, khu vực mở đường san lấp đất đá tại xóm 6, thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’Moan đã lấp lên nhiều cây rừng và ảnh hưởng toàn bộ khoảng 5.000m2.
“Đơn vị đã nắm được tình hình và đang đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông vào cuộc để kiểm tra xem xét mức độ vi phạm nhằm có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định”, lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đắk Nông cho biết.
Theo bà Phạm Thị Ánh – trưởng phòng tổ chức – hành chính Công ty cổ phần Thủy điện Đắk R’Tih, khu vực san ủi thuộc đất của thủy điện và việc tự ý đưa máy múc, máy ủi vào mở rộng đường dân sinh làm đất đá rơi xuống lòng hồ gây mất an toàn, nhất là vào mùa mưa nước sẽ cuốn trôi đất đá xuống lòng hồ, gây sạt lở.
“Hiện chúng tôi đã làm công văn gửi UBND xã Đắk R’Moan cùng các đơn vị liên quan yêu cầu đơn vị thi công ngừng ngay hoạt động san ủi không đúng quy định”, bà Ánh nói.
Nghi làm dự án biệt thự… view hồ (!)
Qua tìm hiểu từ người dân sinh sống gần khu vực san ủi trái phép, trước đây khu vực này là rẫy của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, từ trước Tết Nguyên đán 2021 tới nay, toàn bộ quả đồi hơn 100ha đã được một người đàn ông có tên Sang từ TP.HCM lên mua lại với giá từ 2-3 tỉ đồng/ha để thực hiện dự án.
“Tôi thấy giá đất có mấy tháng mà lên ầm ầm, hồi trước ở đây 1ha đất nông nghiệp khoảng 500-600 triệu đồng đã cao rồi. Thế mà trước tết đến nay, mấy ông ở Sài Gòn lên mua giá vài tỉ đồng/1ha nói để xây dựng dự án biệt thự, view hồ gì đó”, một người dân nói.
TRUNG TÂN