Từ vụ 200 bác sĩ bệnh viện Bạch Mai: Đã đến lúc dẹp bỏ “chân trong chân ngoài”?
Thời gian qua, vụ việc hơn 200 nhân viên bệnh viện Bạch Mai đồng loạt nghỉ việc khiến tôi không khỏi băn khoăn. Hàng trăm người đột ngột rời bỏ bệnh viện tuyến đầu cả nước, không khỏi khiến nhiều người sửng sốt? Nhưng thẳng thắn mà nói, đây cũng là hệ quả tất yếu từ những bất cập đã tồn tại quá lâu trong ngành y tế Việt Nam.
Sự việc trên làm tôi nhớ đến câu nói trước đây của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Số là, các bác sĩ trẻ sau khi được bệnh viện cử đi học, đến khi hoàn thành chương trình đào tạo thì lặng lẽ… nộp đơn. Cứ như thế, mỗi năm bệnh viện “rơi rụng” 6-9 bác sĩ, mà không có ai lấp đầy khoảng trống, khiến ông phải cảm thán “chúng tôi đang tự ăn thịt mình”. Nghe thật ghê rợn, nhưng ngẫm lại, thực trạng đó quả thật rất chua xót…
Có lẽ đã từ rất lâu rồi, chúng ta đã nghe đến tình trạng “chảy máu bác sĩ”. Cũng như các nước, y khoa là một ngành đào tạo mất nhiều thời gian và tốn kém tại Việt Nam. Để có được tấm bằng, các bác sĩ tương lai phải trải qua những cuộc sàng lọc khắc nghiệt ngay từ đầu vào và trong quá trình đào tạo, trong khi học phí và các khoản chi phí cho tài liệu, sách vở y khoa đều đắt đỏ. Thế nhưng, nghịch lý xuất hiện ngay khi rời giảng đường, các y bác sĩ trẻ được điều động, phân công vào các bệnh viện với mức lương… vài triệu đồng.
Hiển nhiên, nó hoàn toàn không tương xứng với công sức và chi phí đã bỏ ra. Và lẽ tự nhiên, khi lương không đủ nuôi sống bản thân, các bác sĩ tìm đến thu nhập khác, tức các phòng khám. Và thực trạng này là nghịch lý thứ hai của ngành y tế: Từ lâu đồng lương bệnh viện đã không còn được xem là thu nhập chính của các bác sĩ, mà hầu hết sẽ duy trì trạng thái “chân trong, chân ngoài”: Ban ngày khám chữa bệnh tại bệnh viện, tối đến phòng mạch riêng kiếm tiền. Họ chấp nhận đồng lương ít ỏi, thậm chí sẵn sàng làm không công, cốt chỉ để lấy danh “bác sĩ bệnh viện A” mà ghi trên biển hiệu phòng khám của mình. Đối với tôi, đó là một điều đáng lo ngại, bởi như thế bác sĩ đến với bệnh viện phải vì lương, cũng không phải để trau dồi chuyên môn, mà để… “kiếm danh”.
Có không ít người thắc mắc, với cường độ làm việc 15-16 giờ mỗi ngày, các bác sĩ có đảm bảo sức khỏe của bản thân, hay chăm sóc gia đình? Kết thúc một ngày khám chữa bệnh từ 7h-17h, họ tiếp tục đến phòng khám đến tận đêm khuya, thậm chí là rạng sáng. Người bác sĩ hầu như không có thời gian cho gia đình, con cái, thậm chí chỉ có vài tiếng để nghỉ ngơi. Thật trớ trêu khi người chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân lại khó có thể đảm bảo điều đó cho chính bản thân mình.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, một vấn đề khác là liệu bác sĩ có thể làm tròn trách nhiệm của mình tại bệnh viện hay không, khi thu nhập chính lại nằm ở một nơi khác? Hẳn đã có những bệnh nhân gặp phải tình huống đi khám tại bệnh viện, nhưng lại nhận được tấm danh thiếp ghi địa chỉ phòng khám của vị bác sĩ, cùng câu nói “Không hết thì đến chỗ tôi”. Dù là thiểu số, nhưng đó là lời cảnh báo về sự xuống cấp y đức của một bộ phận bác sĩ, làm tại bệnh viện nhưng chỉ chờ chực dẫn dắt bệnh nhân về phòng khám của mình.
Nhưng bất chấp những nghịch lý, thực trạng “chân trong chân ngoài” đã tồn tại suốt hàng chục năm qua. Và sự việc tại bệnh viện Bạch Mai, theo tôi, chỉ là một trong vô vàn những giọt nước làm tràn ly. Thế nhưng, ở góc độ tích cực, việc hàng trăm bác sĩ rời bỏ bệnh viện tuyến đầu cả nước là tín hiệu đổi mới của thị trường y tế Việt Nam.
Nếu như trước đây, các bác sĩ gần như không có lựa chọn khác ngoài việc “bám trụ” tại bệnh viện công, với đồng lương eo hẹp và chờ đợi “cơ hội” mở phòng khám, thì nay, họ đã có những lựa chọn khác. Một trong số đó là các bệnh viện tư, nơi sẵn sàng chi trả mức lương gấp hàng chục lần, cùng ràng buộc cấm “làm ngoài”. Nhìn vào thực tế những năm qua, sự xuất hiện ngày càng nhiều các bệnh viện tư nhân hiện đại, với trang thiết bị không hề thua kém, cho thấy không ít bác sĩ ủng hộ các mô hình này. Một mặt, họ có thể thực sự sống bằng lương và có thời gian cho gia đình, mặt khác, họ có thể chuyên tâm vào công việc tại bệnh viện, thay vì nghĩ đến việc “đánh lẻ” tại các phòng khám.
Điều đó cho thấy, đã đến lúc các bệnh viện công và ngành y tế cần nhìn thẳng vào thực trạng “chân trong chân ngoài” đã tồn tại quá lâu, và thậm chí là đặt ra một “tối hậu thư” cho các bác sĩ: Hoặc dành toàn bộ thời gian khám chữa bệnh tại bệnh viện, hoặc từ bỏ công việc tại đây để mở phòng khám tư; chấm dứt sự hiện diện của 1 bác sĩ tại 2 cơ sở khám chữa bệnh như hiện nay.
Tất nhiên, không thể trông đợi điều đó chỉ bằng một lời nói, bởi chính bậc lương ngành y tế đến nay vẫn không thỏa đáng. Nhưng khi chưa thể cải thiện ngay lập tức thu nhập của nhân viên y tế, chính các bệnh viện vẫn có thể tự tìm giải pháp của riêng mình, nếu họ chịu đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Như việc tại sao bệnh nhân thay vì đến bệnh viện lại tìm đến phòng khám ngoài giờ, hoặc tệ hơn là tự ý mua thuốc uống? Phải chăng chính cách vận hành của bệnh viện đang đẩy bệnh nhân vào thế khó: Phớt lờ bệnh tật, tự chữa, hay là bỏ bê công việc, học tập để xếp hàng chờ khám hàng giờ đồng hồ? Liệu các bệnh viện có thể vận hành không theo “giờ hành chính”, thay vào đó là cách vận hành theo ca của các công ty? Đội ngũ y tế vừa có thể tăng thu nhập nhờ tăng ca, còn người bệnh có thể tiếp cận y tế đúng chuẩn mà không ảnh hưởng đến công việc. Hay như mô hình bác sĩ tại nhà, bác sĩ gia đình, vốn khá phổ biến tại các bệnh viên tư nhân, dường như đến nay vẫn chưa được áp dụng rộng rãi tại bệnh viện công. Và trên thế giới, có không ít các mô hình có thể tham khảo, học tập từ các nền y tế hiện đại, phát triển hơn như tại Singapore, Cuba, hay Hồng Kông, Nhật Bản…
Dĩ nhiên, không thể rập khuôn bất kỳ mô hình nào, chúng phải được tìm hiểu, nghiên cứu cặn kẽ trước khi vận dụng vào nền y tế Việt Nam. Nhưng có một điều chắc chắn, mô hình “chân trong chân ngoài” hiện nay thì chỉ có thể làm trì trệ sự phát triển của ngành y tế, mà thậm làm thụt lùi y đức và tâm huyết của đội ngũ y bác sĩ nước ta.
Hạnh Văn
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.