419
category
445722

Từ việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đến vấn đề công tác nhân sự

Bảo An 03/11/2020 18:20

Với kết quả 96,8% đồng ý, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đã bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với ông Phạm Phú Quốc

Chiều 3/11, sau phiên họp kín, Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu cho thấy Quốc hội đã thống nhất bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc với 467 phiếu đồng ý (chiếm 96,8% tổng số đại biểu Quốc hội).

Vì sao phải có hai quốc tịch?

Hồi tháng 8 vừa qua, hãng tin Al Jazeera của Qatar đăng một loạt bài viết dẫn từ tài liệu mật thu thập được, gọi là Hồ sơ Cyprus cho biết, chương trình hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp) cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này. Theo danh sách được Al Jazeera đưa ra, đáng chú ý là cái tên Phạm Phú Quốc, một đại biểu Quốc hội của Việt Nam thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, vụ việc đã thu hút được đông đảo sự quan tâm chú ý của dư luận.

Trước vấn đề trên, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận bản thân có quốc tịch Cyprus. Tuy nhiên ông Quốc phủ nhận việc “mua” hộ chiếu Cyprus và giải thích bản thân có quốc tịch của quốc gia này là do gia đình bảo lãnh.

Tuy nhiên, dù với lý do gì thì việc một đại biểu Quốc hội như ông Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch cũng là điều khiến mọi người băn khoăn, nghi ngờ. Và kết quả, sau phiên họp kín củ Quốc hội chiều 03/11, ông Phạm Phú Quốc đã bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Quốc phải có hai quốc tịch?

Trên phương diện pháp lý, quốc tịch là mối liên hệ pháp lí giữa cá nhân đối với nhà nước nhất định, biểu hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó được pháp luật của Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện. Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà việc ông Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch lại gây sóng gió lớn đến như vậy. Cần thấy rằng đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Về cơ bản, tất cả các quốc gia đều quy định công dân có nghĩa vụ phải trung thành với Tổ quốc. Như vậy, việc ông Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch sẽ kéo theo vấn đề pháp lý phát sinh là ông Phạm Phú Quốc sẽ trung thành với Tổ quốc Việt Nam hay trung thành với Cyprus? Ông Phạm Phú Quốc sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam hay nhân dân Cyprus?

Kẽ hở về công tác cán bộ

Qua sự việc của ông Phạm Phú Quốc, một lần nữa chúng ta cần nhìn nhận lại một cách kỹ lưỡng vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Để trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu cho quyền lực của nhân dân, các ứng cử viên phải trải qua một quy trình kiểm tra, thẩm tra chặt chẽ, kỹ lưỡng. Vậy nhưng trường hợp của ông Phạm Phú Quốc vẫn xảy ra. Nó như một “gáo nước lạnh” dội thẳng vào niềm tin của nhân dân.
Nhìn một cách rộng hơn, có thể thấy công tác cán bộ của chúng ta vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng. Theo kết quả được chỉ ra trong Dự thảo về Tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII, thời gian vừa qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo đợt tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác cán bộ trong toàn hệ thống chính trị . Đáng chú ý, kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy còn nhiều tồn tại về công tác cán bộ, đặc biệt là việc thực hiện quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 86/128 (chiếm 67,2%) địa phương, cơ quan, đơn vị có một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc sai về quy trình, thủ tục; cả nước có 55.697/2.169.908 trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện, chiếm 2,56% so với tổng số được rà soát và 2.827/2.169.908 trường hợp sai về quy trình, thủ tục, chiếm 0,13% so với tổng số được rà soát.

Cẩn trọng nhân sự trước Đại hội XIII

Sự việc của ông Phạm Phú Quốc là một bài học lớn về công tác nhân sự cho Đại hội XIII. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã tổ chức xong Đại hội Đảng tại 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương, đã bầu được 3.330 đồng chí vào Ban Chấp hành các Đảng bộ. Đến thời điểm hiện tại, việc tổ chức Đại hội tại các đảng bộ trực thuộc được xác định là thành công, chưa phát hiện vấn đề tiêu cực. Trong số các đồng chí được bầu vào cấp ủy, có 1.084 đồng chí tham gia lần đầu, đạt 32,5%; trình độ cấp ủy viên được nâng lên so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, cấp ủy có trình độ thạc sỹ trở lên chiếm 66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,11%.

Chúng ta đang thực hiện những công đoạn chuẩn bị cuối cùng để tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, dù thời gian không còn nhiều nhưng khối lượng công việc cần chuẩn bị không hề nhỏ. Đặc biệt, vấn đề nhân sự cần phải tiếp tục được thẩm tra, kiểm tra, rà soát một cách kỹ lưỡng, tránh để những sự việc đáng tiếc như trường hợp của ông Phạm Phú Quốc diễn ra.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều