8
category
327322

Tư vấn Pháp “lo” hệ thống an toàn của đường sắt Cát Linh – Hà Đông!

02/10/2019 18:31

“Vận hành dự án là một chuyện, nhưng vấn đề quan trọng là phải an toàn. Quá trình kiểm định Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chúng tôi thấy có nhiều thứ không đồng bộ.” – ông Nguyễn Công Phú – Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Apave (Pháp) cho biết.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã bị “phá sản” và vẫn chưa “chốt” được thời gian bàn giao dự án để khai thác thương mại, do Tổng thầu Trung Quốc không thực hiện đúng các cam kết và chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Hiện nay, tư vấn độc lập đang kiểm định Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là Tập đoàn Apave (Pháp), đơn vị này vào dự án từ năm 2016 và vẫn chưa đưa ra kết luận kiểm định cuối cùng về Dự án.

Trả lời câu của PV Dân trí tại sao tới thời điểm này vẫn chưa có kết luận kiểm định cuối cùng để đưa dự án vào khai thác? Ông Nguyễn Công Phú – Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Apave đã đưa ra thông tin khá bất ngờ.

“Vì trong quá trình kiểm định chúng tôi thấy có nhiều thứ không đồng bộ, tiêu chuẩn về an toàn yêu cầu bắt buộc phải đồng bộ. Nói cho đúng thì 50% gọi là ổn, còn 50% đang cần phải xem xét. Mốc vận hành là một chuyện, vấn đề là phải an toàn.” – ông Phú nói.

Tư vấn Pháp “lo” hệ thống an toàn của đường sắt Cát Linh - Hà Đông! - 1
Tư vấn Pháp “lo” hệ thống an toàn của đường sắt Cát Linh – Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)

Theo ông Phú, vấn đề “khó nhất” ở Dự án bây giờ là phải có bộ hồ sơ hoàn chỉnh để thẩm định trước khi bàn giao cho UBND TP. Hà Nội để vận hành. “Hiện nay hồ sơ chưa đầy đủ và hệ thống an toàn cần phải đánh giá kỹ lưỡng, hoàn chỉnh toàn bộ. Ở Việt Nam, đây là dự án đầu tiên nên đặc biệt khó khăn.” – ông Phú cho hay.

Đại diện tư vấn Pháp cũng thông tin, hệ thống an toàn của dự án phải làm rất kỹ, vì sự an toàn không thể chỉ 1-2 tháng mà phải đảm bảo suốt quá trình vận hành khai thác lâu dài, đảm bảo theo các quy định của quốc tế, như trang thiết bị, cơ điện, hệ thống truyền tải thông tin rất quan trọng và phải chuẩn chỉ, đảm bảo yêu cầu tốt nhất.

“Một số chi tiết thiết kế chủ đầu tư cũng yêu cầu Tổng thầu phải sửa lại, khi thiết kế sửa chưa xong thì bên thứ ba là tư vấn chúng tôi chưa thể kiểm định những chi tiết đó. Tư vấn độc lập chỉ có thể kiểm định, đánh giá khi được tư vấn thiết kế đồng ý, trong đó có hệ thống cơ điện truyền tải thông tin.” – ông Phú cho biết.

Dự kiến về thời gian đưa dự án vào khai thác, ông Nguyễn Công Phú bày tỏ băn khoăn: “Nói cả gan thì phải mất 6 tháng nữa. Tuy nhiên, dù có cố gắng đến đâu thì chúng tôi cũng không thể đi vặn vít thay nhà thầu thi công được, mọi việc tùy thuộc vào nhà thầu”.

Về vấn đề này, ông Đường Hồng – Giám đốc Dự án, Tổng thầu Trung Quốc – cho biết: Việc kiểm định, đánh giá gặp một số vướng mắc vì đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án hơi muộn. Theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào dự án ngay từ khi xây dựng dự án, nhưng tư vấn vào dự án năm 2016 và lúc này tất cả các hạng mục dự án đã cơ bản hoàn thành.

“Khi họ vào dự án và yêu cầu chúng tôi cung cấp một số hồ sơ, nhưng có những hồ sơ thời gian đã qua rồi nên hoặc là có hoặc không bổ sung được. Vướng ở đó, chủ yếu là về hồ sơ.” – ông Đường Hồng nói và cho rằng công trình đã hoàn thành 100%, hồ sơ đã trình và bàn giao, Tổng thầu đang chờ ý kiến đánh giá cuối cùng của tư vấn độc lập.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin: “Tổng thầu Trung Quốc đề nghị bây giờ cũng có thể khai thác được Dự án nhưng chúng tôi không đồng ý và yêu cầu phải khắc phục một số khiếm khuyết về thiết kế và tập hợp hệ thống các hồ sơ kèm theo.”.

Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, yêu cầu của Thủ tướng là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối mới vận hành Dự án, do đó phải hoàn thiện hồ sơ, phải có chứng chỉ để đánh giá an toàn thực sự.

Châu Như Quỳnh/Dân Trí

Đọc nhiều