439
category
474244

Từ thù thành bạn: Cách cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thu phục nhà lập quốc Singapore

06/02/2021 00:04

Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2000, nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu đã kể lại những kỷ niệm về giai đoạn phá băng trong quan hệ hai nước, và có những đánh giá lạc quan về tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Ông Lý Quang Diệu trong một lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt – Ảnh tư liệu

Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng là người phản đối Việt Nam trên vấn đề Campuchia vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ 20. Nhưng, quan hệ giữa Việt Nam và Singapore đã bắt đầu thay đổi từ năm 1990.

Trong cuốn hồi ký “Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất: Câu chuyện Singapore 1965-2000”, ông Lý Quang Diệu đã kể lại về giai đoạn phá băng trong quan hệ hai nước, cũng như những kỷ niệm trong các chuyến thăm Việt Nam sau này.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Singapore năm 1978 – Ảnh tư liệu

Theo đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos tháng 2/1990, ông Võ Văn Kiệt, khi đó là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã yêu cầu gặp ông Lý và đề nghị hai nước bỏ qua những bất đồng trong quá khứ, tiến tới hợp tác.

Nhưng phải đến hơn một năm sau, quan hệ Việt Nam – Singapore mới thực sự được lật sang trang mới, với chuyến thăm của ông Võ Văn Kiệt với tư cách thủ tướng. Ông Lý Quang Diệu khi đó đã từ nhiệm chức thủ tướng Singapore, nhưng vẫn nắm vai trò quan trọng trên chính trường đảo quốc này.

“Tuy không còn là thủ tướng, chúng tôi vẫn gặp nhau tại bữa tiệc chiêu đãi do người kế nhiệm tôi là Goh Chok Tong chủ trì. Khi bữa tiệc sắp tàn, ông ấy (thủ tướng Võ Văn Kiệt) bước lại phía tôi, ôm quàng lấy tôi như cách những người Cộng sản thường làm, rồi hỏi tôi có muốn giúp đỡ Việt Nam không. Tôi hỏi, bằng cách nào? Bằng cách trở thành cố vấn kinh tế của họ. Tôi lặng người đi”, ông Lý viết.

Ông Lý Quang Diệu cho hay, ông chỉ có kinh nghiệm quản lý một đất nước thành phố, chứ chưa bao giờ quản lý một quốc gia có 60 triệu người dân, chịu sự tàn phá nhiều năm của chiến tranh và đang chuyển đổi mô hình phát triển như Việt Nam.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần gặp gỡ ông Lý Quang Diệu – Ảnh: MITA

“Nhưng ông ấy rất kiên quyết, sau này còn hai lần gửi thư cho tôi. Tôi đồng ý đến thăm Việt Nam, nhưng không phải với tư cách cố vấn, mà muốn cùng thảo luận với họ, tập trung trí tuệ, để tìm ra hướng chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường”, ông Lý viết trong hồi ký.

Tháng 4/1992, ông Lý Quang Diệu lần đầu tiên đến thăm Việt Nam. Trong ngày làm việc thứ nhất, ông đã có buổi thảo luận suốt một ngày cùng thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó và các quan chức cấp cao khác, với nội dung chính xoay quanh công cuộc hiện đại hóa của Việt Nam. “Tôi kiến nghị họ nghiên cứu quá trình chuyển đổi của Đài Loan và Hàn Quốc, từ xã hội nông nghiệp thành xã hội công nghiệp phát triển”, ông nhớ lại.

Sau buổi thảo luận, ông Lý Quang Diệu còn có cuộc hội đàm với tổng bí thư Đỗ Mười. Ông Lý cũng đề nghị được gặp cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, khi đi thăm thành phố Hồ Chí Minh, ông cũng có buổi nói chuyện với nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Trong báo cáo ngắn gửi chính phủ Singapore, ông Lý Quang Diệu đánh giá rằng, dù Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng người dân Việt Nam là một dân tộc tràn đầy sức sống, tư chất thông minh. “Tôi tin tưởng rằng, 20, 30 năm nữa, họ sẽ chấn hưng trở lại, bởi họ đều là những người rất nghiêm túc”, ông bình luận.

Ông Lý Quang Diệu và nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh: Reuters

Sau chuyến thăm của ông Lý Quang Diệu, tháng 9/1992, chính phủ Singapore cử một đoàn công tác đến Việt Nam để đưa ra những kiến nghị trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng quyết định thành lập một quỹ hỗ trợ trị giá 10 triệu USD, nhằm giúp Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Tháng 10/1993, tổng bí thư Đỗ Mười thăm Singapore. Một tháng sau, ông Lý Quang Diệu có chuyến thăm đáp lễ. Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội báo cáo với ông Lý rằng, tuyển tập các phát biểu của ông đã được dịch ra tiếng Việt và bày bán rộng rãi tại Việt Nam.

Trong khi hội đàm, ông Lý Quang Diệu một lần nữa lại bày tỏ sự lạc quan về tương lai phát triển của Việt Nam, nhất là khi hòa bình là xu hướng phát triển lớn của thời đại.

“Đông Á đã rút ra được bài học từ lịch sử 40 năm qua, chiến tranh căn bản không mang lại lợi ích gì”, ông viết. “Trên thực tế, Việt Nam đang tiến bộ. Thị trường năng động hơn, cửa hàng, khách sạn nhiều hơn xưa. Tất cả những điều này phản ảnh qua quang cảnh thịnh vượng của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón tiếp ông Lý Quang Diệu tại Hà Nội năm 2009 – Ảnh: AFP

Tháng 3/1995, ông Lý Quang Diệu lần thứ ba đến thăm Việt Nam, tham dự hội thảo về vấn đề cải cách kinh tế do phó thủ tướng thường trực khi đó là ông Phan Văn Khải chủ trì. Ông Lý kiến nghị, nếu muốn thu hút nhà đầu tư, thì cần phải khiến lớp nhà đầu tư đầu tiên cảm thấy được hoan nghênh.

“Quan điểm của tôi là, phải coi nhà đầu tư như những người bạn đáng trân trọng, phải có người dẫn họ ra khỏi mê cung của hệ thống quan liêu, để tránh giẫm phải mìn hoặc bẫy”, ông Lý Quang Diệu viết trong hồi ký.

Ông cũng trình bày một số khó khăn của các công ty Singapore trong quá trình đầu tư vào Việt Nam. “Từ phản hồi của các nhà đầu tư nước ngoài, ý kiến của tôi đã có tác dụng”, ông Lý viết. “Khi tổng giám đốc một công ty lớn của Đức kể với tôi việc được họ (chính phủ Việt Nam) cấp cho người hướng dẫn, tôi đã mỉm cười”.

Bộ trưởng Cao cấp Singapore Lý Quang Diệu (trái) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp năm 2009 (Ảnh Reuters)

Tháng 11/1997, ông Lý Quang Diệu lại đến thăm thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang diễn ra. Theo cuốn hồi ký, ông đã đề cập đến những khó khăn mà các nhà đầu tư nước ngoài gặp phải do sự thay đổi của chính sách tài chính trước cuộc khủng hoảng, và đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía chính phủ Việt Nam.

Nhà lập quốc Singapore vẫn giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng phát triển của Việt Nam, bởi những tố chất đáng khâm phục của dân tộc Việt. “Những kỹ năng họ đã thể hiện trong việc sử dụng vũ khí của Liên Xô trong chiến tranh, rồi khả năng tùy cơ ứng biến để khắc phục khó khăn vật chất, cũng như thành tựu của rất nhiều người Việt Nam ở Mỹ và Pháp, tất cả những điều này nhắc mọi người rằng, họ có những tố chất đáng khâm phục”, ông Lý Quang Diệu viết.

S.T

Đọc nhiều