Từ tháng 9, dùng xe công đón người nhà bị phạt
Cùng được áp dụng từ tháng 9/2019 là các quy định dịch vụ karaoke không được hoạt động sau 24h đêm; thêm ba loại bệnh truyền nhiễm phải cách ly…
Dùng xe công đưa đón người nhà bị phạt 10-20 triệu đồng
Từ ngày 1/9, Nghị định 63/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước chính thức có hiệu lực.
Theo Nghị định trên, quy định mức phạt tiền đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, công năng của tài sản là từ 1 triệu đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.
Riêng với hành vi sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không đúng tiêu chuẩn, sử dụng ôtô vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Về quy định này, nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi bởi vấn đề ở chỗ ai dám tố, ai dám phạt? Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, trong bộ máy nhà nước, không có ý kiến của thủ trưởng thì không có cấp dưới nào dám làm.
Thay vì cách làm chắp vá, trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay, vị chuyên gia đề nghị cần triệt để xóa bỏ bao cấp, bỏ hết xe công.
Cách làm này, theo ông, vừa tạo ý thức tiết kiệm ngân sách, giảm đáng kể chi phí so với ngân sách phải bỏ tiền trang trải chi phí xe công phục vụ chức danh (tiền mua xe, nuôi lái xe, bảo dưỡng…) vừa giảm nguy cơ lạm dụng xe công phục vụ việc riêng, gây phản cảm trong xã hội
Quán karaoke không được hoạt động sau 12 giờ đêm
Cũng có hiệu lực từ ngày 1/9, Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường quy định: Trong khi các quán karaoke chỉ được hoạt động đến 0 giờ thì các vũ trường được hoạt động đến 2 giờ sáng. Cả hai dịch vụ này đều không được mở cửa trước 8 giờ sáng.
Cũng theo Nghị định này, để mở quán karaoke phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Diện tích phòng hát phải từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát.
Vũ trường phải có diện tích từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ; Địa điểm vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200 m trở lên.
Làm lều, quán trong công trình thủy lợi, phạt đến 300.000 đồng
Ngày 9/9/2019, Nghị định 65/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; bảo vệ công trình thủy lợi có hiệu lực.
Nghị định này quy định một số mức phạt với người vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi như sau:Làm lều, quán, tường; xây dựng công trình tạm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi: Phạt 100.000 – 300.000 đồng;
Xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép: Phạt 5-10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 3-5 triệu đồng);
Xây nhà ở, công trình phụ, cầu… và các công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt 30-50 triệu đồng.
Thêm ba loại bệnh truyền nhiễm phải cách ly
Có hiệu lực từ 1/9, Thông tư 17/2019 của Bộ Y tế có thay đổi danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế.
Theo đó từ 6 bệnh theo quy định hiện hành Thông tư 13/2013, Bộ Y tế bổ sung thêm ba loại bệnh cần cách ly căn cứ theo thực tế mức độ nguy hiểm và lây lan. Cụ thể ba loại bệnh được bổ sung là thuỷ đậu, quai bị và Rubella.
Quy định hiện hành có 6 bệnh là: bạch hầu; ho gà; bệnh sởi; bệnh than; viêm màng não do mô cầu và bệnh tay chân miệng.
Thông tư quy định với bệnh truyền nhiễm nhóm B có từ 2 trường hợp tử vong trở lên nghi do cùng một bệnh hoặc cùng một tác nhân gây bệnh trên cùng địa bàn huyện trong vòng một tháng thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động và chịu trách nhiệm đề nghị Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
Bổ sung 16 loài động vật vào Danh mục quý hiếm được ưu tiên bảo vệ
Có hiệu lực từ ngày 5/9, Nghị định 64/2019 của Chính phủ bổ sung 16 loài động, thực vật vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
16 loài gồm: rùa đầu to, thằn lằn cá sấu, tắc kè đuôi vàng, trĩ sao, cầy giống đốm lớn, cầy vằn bắc, cầy gấm… Trâu rừng không còn nằm trong danh mục này.
Định kỳ ba năm một lần hoặc khi thấy cần thiết, Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Minh Thái/ Đất Việt