181
topics
466371

Từ tay ngang thành tỷ phú USD Việt Nam

18/01/2021 11:18

Ông Trần Đình Long không hề có kinh nghiệm về thép khi quyết định tham gia lĩnh vực này giữa thập niên 90.

“Tất cả những gì tôi có khi đó là niềm đam mê và không sợ hãi”, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhớ lại. Ông đặt cược Việt Nam sẽ cần nhiều thép hơn khi đất nước phát triển. Nhiều thập kỷ sau, công ty trở nên rất thành công, giúp doanh nhân này thành tỷ phú.

Bloomberg cho rằng Hòa Phát hiện là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm ngoái, GDP Việt Nam vẫn tăng 2,9% trong bối cảnh hàng loạt quốc gia khác đi xuống vì đại dịch. Việt Nam đến nay chỉ ghi nhận gần 1.600 ca nhiễm Covid-19.

Cổ phiếu Hòa Phát đã tăng hơn gấp đôi năm ngoái, khi lợi nhuận hãng thép niêm yết lớn nhất Việt Nam tăng vọt. Theo Bloomberg Billionaires Index, việc này giúp tài sản của vợ chồng ông lên 1,9 tỷ USD. Ông Long khẳng định cổ phiếu không hề bị định giá quá cao, dù hệ số P/E (giá trên lợi nhuận) hiện ở gần mức cao nhất một thập kỷ.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: Hòa Phát

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: Hòa Phát

“Một đất nước mới công nghiệp hóa sẽ phải xây rất nhiều cơ sở hạ tầng”, ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Việc này dĩ nhiên sẽ cần nhiều sắt và thép.

Theo khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế học, GDP Việt Nam dự kiến tăng 7,6% năm nay. “Nếu nền kinh tế tăng trưởng 7-8%, nhu cầu thép sẽ tăng 10-12%”, ông nói.

9 tháng đầu năm ngoái, Hòa Phát ghi nhận doanh thu tăng 40% và lợi nhuận tăng 56% so với cùng kỳ năm trước đó. Việc này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tăng chi cho cơ sở hạ tầng. Đầu tư công trong 11 tháng đầu năm đạt 406.800 tỷ đồng, theo Tổng cục Thống kê. Đây là mức cao nhất trong thập kỷ qua. Ông Long cũng đã trở lại danh sách tỷ phú từ cuối năm ngoái, sau khi để mất danh hiệu này năm 2018 do cổ phiếu Hòa Phát đi xuống.

Ông thành lập Hòa Phát cùng bạn bè năm 1992, với vai trò là hãng phân phối thiết bị xây dựng cũ. Năm 1996, họ quyết định chuyển hướng sang thép. Năm 2017, họ xây Khu liên hợp sản xuất thép Dung Quất trị giá tới 2,6 tỷ USD.

Hòa Phát hiện đặt mục tiêu phát triển khu liên hợp thép Dung Quất thứ hai, bắt đầu từ tháng 1/2022 và đi vào hoạt động 3 năm sau đó, ông Long cho biết. Họ muốn đáp ứng nhu cầu thép cán nóng bùng nổ. Dự án này có thể kéo doanh thu và lợi nhuận hàng năm của công ty lên thêm 80% từ mức hiện tại, ông nói.

“Việt Nam hiện có thứ hạng thấp về tiêu thụ thép trên đầu người, khi đất nước chỉ mới bước những bước đi đầu tiên trong phát triển cơ sở hạ tầng”, bà Phạm Mai Trang – một lãnh đạo tại quỹ đầu tư Dragon Capital Group nhận xét, “Với cơ sở tại Dung Quất, Hòa Phát đã trở thành người chơi thống trị”. Dragon Capital hiện nắm 6% cổ phần Hòa Phát.

Khi được hỏi về các thách thức với công ty, bà cho biết năm 2020, Hòa Phát đã phải tìm cách thích ứng để tăng quy mô hoạt động. Năm nay, công ty sẽ phải lặp lại thành công này với thép cán nóng.

Điều này còn cần thời gian để chứng minh. Tuy nhiên, ông Long cho biết dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, việc trở thành một trong những người giàu nhất nước không làm thay đổi nhiều cuộc sống của mình. “Tôi vẫn uống cà phê với bạn bè mỗi ngày một lần, ở nơi chúng tôi đã gặp nhau suốt 20 năm. Mọi thứ vẫn y như vậy”, ông nói.

Hà Thu/Bloomberg

Đọc nhiều