Từ “nỗi xấu hổ” của Trung Quốc, mới thấy triết lý “bình dân” của ông Park đáng quý biết bao
HLV kỳ cựu người Trung Quốc – Vương Bảo Sơn, nhận xét về bóng đá Trung Quốc: “Phẩm giá có tiền cũng không mua được, nó là thứ bản thân phải phấn đấu mới đạt được”.
1. “Trước mỗi buổi tập gần đây, tôi nói với các học trò của mình về điều mấu chốt để thành công. Tôi bảo họ rằng hãy tự hỏi bản thân mình – với tư cách là một cầu thủ Trung Quốc, và cả những cầu thủ nước ngoài nữa, rằng tiền mua được những gì”, HLV CLB Hà Nam Kiến Nghiệp trả lời phỏng vấn tờ Sohu của Trung Quốc.
“Tiền có thể mua được xe sang, quần áo đẹp, nhà to, đồ ăn ngon… nhưng không thể mua được phẩm giá. Phẩm giá là thứ phải tự mình nỗ lực để đạt được. Đấy là điều những cầu thủ bóng đá Trung Quốc thời chúng tôi có được, nhưng cũng là điều mà bóng đá Trung Quốc hiện tại đang đánh mất”.
Cùng ngày, trên đất Hàn, khi được hỏi về triết lý đằng sau những thành công của bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo có câu trả lời khá bất ngờ, nhưng để lại rất nhiều suy nghĩ:
“Nếu có triết lý gì đó sâu xa, chắc tôi không phải làm việc ở một đội bóng hạng 3 Hàn Quốc rồi mới sang Việt Nam.
Mục tiêu của tôi chỉ là xây dựng và hoàn thiện đội bóng. Tôi có sự hỗ trợ của các cộng sự người Hàn Quốc Lee Young-jin, Kim Han-yoon, Park Sung-gyun, Choi Ju-young cùng nhiều trợ lý người Việt – những người hàng ngày phải làm việc đến tận đêm khuya. Tôi may mắn có một đội ngũ tốt và giành được những kết quả tốt”.
Những gì ông Park nói khá khiêm tốn, nhưng nó chứa đựng một sự thật rằng thứ “phẩm giá” huy hoàng mà ông đang có được với bóng đá Việt Nam không phải là ánh xạ của sự nghiệp huy hoàng 17 năm về trước, khi là “cánh tay phải” của HLV Guus Hiddink, mà do ông tự tay đoạt lấy, bằng nỗ lực quên mình để “trở lại” từ “đáy vực sâu”, khi ở Hàn Quốc chẳng ai còn nhớ, còn công nhận ông nữa.
Marcello Lippi – cựu HLV trưởng ĐTQG Trung Quốc, chẳng phải là nhà cầm quân lừng lẫy thế giới đó sao? Chẳng phải trong đầu ông chẳng thiếu gì những triết lý bóng đá sâu xa và ảo diệu đó sao, nhưng vấp vào bóng đá Trung Quốc, HLV kỳ cựu người Italia này chẳng những một, mà đến 2 lần phải phải “ngậm đắng nuốt cay”. Vì đâu nên nỗi?
2. Hai trận đấu mới nhất của mình, đội tuyển Trung Quốc đã để thua cả Hàn Quốc và Nhật Bản ở cúp Đông Á. Người ghi bàn thắng giúp đội tuyển Hàn Quốc đánh bại thầy trò HLV Lý Thiết là Kim Min-jae – trung vệ hiện đang chơi bóng ở CLB Bắc Kinh Quốc An. Đây chính là đội bóng Á quân giải VĐQG Trung Quốc mùa bóng 2019.
Phát biểu sau trận thắng trước đội tuyển Trung Quốc, trung vệ mới 23 tuổi này khen ngợi giải VĐQG Trung Quốc là môi trường rất tốt cho các cầu thủ nước ngoài như anh kiếm tiền và phát triển chuyên môn. Tuy nhiên theo anh, chính sự cạnh tranh khốc liệt cũng khiến các CLB Trung Quốc “chạy đua” trong việc tậu và sử dụng cầu thủ ngoại, mà bỏ rơi các cầu thủ trẻ của họ, kéo theo đó là công tác đào tạo trẻ bị bỏ bê.
Đây chính là “nỗi xấu hổ” lớn nhất, khiến bóng đá Trung Quốc “đánh mất phẩm giá” như HLV Vương Bảo Sơn nhận xét. Mới đây, cộng đồng mạng Trung Quốc nổi sóng với việc Triệu Kiếm Phi – cầu thủ 20 tuổi được HLV Lý Thiết triệu tập lên đội tuyển Trung Quốc đá tại cúp Đông Á, tiết lộ lương tháng của mình chỉ là 2 vạn tệ.
Đây là khoản lương không nhỏ (khoảng gần 70 triệu đồng) nếu so với các cầu thủ Việt Nam, nhưng nếu so với các cầu thủ tên tuổi Trung Quốc như Trịnh Trí Lương – năm nay đã 39 tuổi, với mức lương khoảng 2 triệu tệ (gần 7 tỷ đồng) mỗi năm, nó thực sự quá bèo bọt. Triệu Kiếm Phi cũng là trụ cột của đội tuyển U23 Trung Quốc tham dự VCK U23 châu Á vào tháng sau.
Và dĩ nhiên, nếu so sánh với mức lương mà các CLB Trung Quốc trả cho các cầu thủ nước ngoài và nhập tịch, số tiền mà Triệu Kiếm Phi nhận được hàng tháng chỉ là “muối bỏ biển”. Dù là tuyển thủ quốc gia, song hậu vệ này chỉ được ra sân vỏn vẹn có 6 trận trong màu áo của CLB Sơn Đông Lỗ Năng ở mùa giải qua.
3. Trong triết lý bóng đá “tận hiến” của mình, chắc hẳn HLV Park Hang-seo không chỉ phải nói lời cảm ơn đến các trợ lý của mình, mà trong thành công của ông với bóng đá Việt Nam còn có công lao không ít của các CLB Việt Nam – những đội bóng đá hết lòng tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ được thi đấu, va chạm và tích lũy kinh nghiệm từ rất sớm ở đấu trường VĐQG.
Rạng sáng nay, trên đất Hà Lan, cầu thủ trẻ mới 20 tuổi của Việt Nam – Đoàn Văn Hậu, đã có trận ra mắt CLB Heerenveen. Màn ra mắt của tuyển thủ Việt Nam chỉ kéo dài có vài phút, nhưng nó là cột mốc quan trọng không chỉ với cá nhân Văn Hậu, mà còn với bóng đá Việt Nam, và chắc hẳn có ý nghĩa không ít với HLV Park Hang-seo khi chính Văn Hậu là người ghi 2 bàn thắng trong trận chung kết SEA Games 30, đem “vàng” về cho U22 Việt Nam.
Đâu chỉ có Đoàn Văn Hậu, mà Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng đều đã từng được bầu Đức cho “xuất ngoại” để phát triển tài năng, thi đấu ở những giải đấu cao hơn, thì vì “dìm” họ “chết chìm” như các cầu thủ trẻ Trung Quốc.
Đội tuyển U23 Việt Nam trong tay HLV Park Hang-seo tham dự VCK U23 châu Á sắp tới, cũng như U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30 đều là tập hợp của những cầu thủ trẻ, nhưng đã là trụ cột của những CLB trong nước. Hơn 10 năm qua, bóng đá trẻ Việt Nam có những bước tiến vượt bậc, với những sự đầu tư vượt bậc, bắt đầu từ bầu Đức, và thành công rực rỡ nhất phải nói đến bầu Hiển cùng CLB Hà Nội.
Rõ ràng, không phải tự nhiên bóng đá Trung Quốc ngày càng lụn bại trong cơn bão kim tiền, cũng như chẳng phải tự nhiên bóng đá Việt Nam vút bay suốt hai năm trở lại đây.
Triết lý bóng đá của HLV Park Hang-seo chẳng có gì là sâu xa và đặc biệt, cách làm bóng đá trẻ của Việt Nam cũng chỉ là mô hình mà châu Âu đã làm từ cả thế kỷ qua, nhưng khi kết hợp lại được với nhau, nó tạo nên hiệu ứng bật vọt cực kỳ mạnh mẽ mà hiếm nền bóng đá nào có thể đạt được.
Triết lý ấy sẽ còn giúp bóng đá Việt Nam thành công hơn nữa, miễn là HLV Park Hang-seo và những người làm bóng đá Việt Nam kiên định trên con đường mà mình đã chọn.