Tư nhân ngại đầu tư vào dự án nguồn điện
Không chỉ khó thu xếp tài chính, các nhà đầu tư tư nhân còn lo ngại chính sách với các dự án nguồn điện liên tục thay đổi.
Hơn một năm nay dự án nhà máy Nhiệt điện An Khánh Bắc Giang có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD phải dừng vì chưa ký được hợp đồng mua bán điện (PPA). Đến lúc này số tiền chủ đầu tư đã rót vào khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư, khó khăn hầu hết dự án điện theo hình thức IPP (dự án điện độc lập – đầu tư nguồn điện không sử dụng vốn ngân sách) gặp phải là thu xếp tài chính khi Chính phủ dừng chủ trương bảo lãnh. Ông Ngô Quốc Hội – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang cho biết tại một hội thảo gần đây, nếu vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, hầu hết nhà băng đều đưa ra yêu cầu phải có cam kết sản lượng mua điện từ EVN đạt 90% sản lượng điện sản xuất dự án trong 10 năm mới giải ngân.
Còn vay từ các nhà băng trong nước, tổng dư nợ cho vay với một khách hàng đang bị khống chế tối đa 15% và nhóm khách hàng liên quan không quá 25% vốn tự có của ngân hàng. Vì thế, vay tiền cho các dự án nguồn điện lớn như An Khánh – Bắc Giang là không khả thi.
Bên cạnh đó, các chính sách hiện không đồng bộ và không công bằng. Bởi thực tế các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức IPP không được đảm bảo các khoản ngoại tệ, không được bao tiêu sản lượng điện phát ra hàng năm.
“Chúng tôi tiếp xúc tới hơn 20 ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế nhưng họ đều từ chối và đặt câu hỏi: nếu cho vay mà sau này EVN không huy động điện, chủ đầu tư dự án IPP lấy đâu ra nguồn trả nợ? Hay nếu EVN mất khả năng thanh toán thì hợp đồng mua bán điện, khoản vay đó giải quyết thế nào?”, ông Hội chia sẻ.
Giống các nhà đầu tư khác rót vốn vào ngành điện, Tổng giám đốc Nhiệt điện An Khánh Bắc Giang mong muốn được bảo lãnh về khả năng thanh toán tiền điện của EVN. Ông cũng đề nghị các cơ chế, chính sách đưa ra cần dựa trên cơ sở bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tư nhân, Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài, tránh tình trạng “mỗi loại hình đầu tư có chính sách khác nhau, nên ngân hàng sẽ chọn hình thức đầu tư có điều kiện tốt nhất để cho vay”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Sơn – nguyên Trưởng ban chiến lược đầu tư dự án điện Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) nhận xét, vốn chưa hẳn là vướng mắc khiến các dự án IPP chậm tiến độ, mà là kỹ thuật và giá mua điện từ các dự án này.
Theo ông, các dự án IPP hiện nay thực tế chỉ có vốn đầu tư tư nhân ngoài EVN, còn bản chất chưa phải dự án điện độc lập. “IPP phải là dự án độc lập, có phụ tải, hệ thống lưới riêng và tự sản tự tiêu, nghĩa là khi cần thì mua điện từ lưới quốc gia còn khi thừa điện lại bán lên lưới”, ông Sơn giải thích.
Còn khi không phải dự án điện độc lập đúng nghĩa, vẫn phụ thuộc vào hệ thống phụ tải, lưới truyền tải điện của EVN, Nhà nước phải đầu tư thêm các dự án điện khí, nhiệt điện… để đảm bảo cân bằng khi các nguồn điện khác đưa vào vận hành.
Mặt khác, giá điện bán ra của số dự án này cũng phải tương đương sức mua nền kinh tế mới khả thi. Chẳng hạn, hệ thống điện bán ra 7,5 cent một kWh, mà các nhà máy IPP bán lên lưới 8 cent và muốn bán gần 100% sản lượng lên lưới thì “khó có thể chấp nhận được”.
Ở góc độ này, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ, sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài EVN vào hệ thống điện rất lớn. Hơn 100 nhà máy điện mặt trời vận hành mà không cần chính sách bảo lãnh của Chính phủ. Mấu chốt vấn đề là giá điện ưu đãi tới 9,35 cent một kWh, cao hơn nhiều giá mua các loại nguồn điện khác, đã hấp dẫn họ rót tiền đầu tư.
“Giá điện đồng bộ đầu vào – ra, đảm bảo cân đối tài chính cho các bên tham gia thị trường, Chính phủ dù không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về đất đai, bảo lãnh vay vốn… tự khắc nhà đầu tư cũng “nhảy” vào ngành điện”, Chủ tịch EVN nói.
EVN không mua thì ai sẽ mua điện từ các dự án IPP? Ông Thành cho rằng, theo lộ trình đến năm 2022 sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Lúc đó EVN cũng chỉ là một bên mua điện cùng các người mua khác, bởi chủ đầu tư có thể bán trực tiếp tới từng khách hàng dùng điện.
Theo ông Thành, hiện Bộ Công Thương cũng thí điểm mô hình cho phép chủ đầu tư các dự án năng lượng mặt trời có thể bán điện trực tiếp đến khách hàng. Mô hình này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để các chủ đầu tư IPP, điện mặt trời, sau này là điện gió và nhiều loại điện khác có thể bán điện trực tiếp đến các hộ tiêu thụ. Để làm được điều này cần cơ chế, chính sách. Về phía nhà đầu tư dự án IPP cũng cần chuẩn bị tâm thế, điều kiện để tham gia thị trường bán lẻ cạnh tranh sau năm 2022.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo điện lực quốc gia, quy mô, tỷ trọng các dự án điện từ khu vực tư nhân ngày càng lớn. Đến cuối năm 2019, công suất các dự án điện do tư nhân đầu tư đạt hơn 19.250 MW, chiếm 34,4% cơ cấu nguồn điện cả nước.
Đến tháng 8, các dự án điện IPP được đầu tư, vận hành khoảng 16.400 MW, chiếm 28,3% tổng cơ cấu nguồn. Trong số này các dự án nhiệt điện có công suất 2.200 MW, thuỷ điện 7.000 MW, năng lượng tái tạo 7.200 MW.
Tuy nhiên, rất nhiều dự án công suất lớn có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh hoặc được bổ sung vào quy hoạch đang chậm tiến độ. Thậm chí, một số dự án chưa thể xác định được thời gian vận hành, ảnh hưởng lớn tới đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và an ninh năng lượng quốc gia.
Thừa nhận những khó khăn mà các số dự án IPP gặp phải, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, các bộ, đơn vị liên quan đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đề xuất với các cấp thẩm quyền để ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các dự án IPP. Tuy nhiên, với áp lực nhu cầu điện tăng nhanh, khối lượng các dự án lớn, nhiều vấn đề cấp bách nảy sinh nên các thủ tục và văn bảo quy định còn chưa theo kịp thực tế.
“Bộ sẽ tiếp thu các đóng góp của doanh nghiệp, chuyên gia để có giải pháp tốt nhất, nhanh nhất đáp ứng nhu cầu thực tế, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư”, ông Vượng nhấn mạnh.
Anh Minh/ VNE