Ngẫm từ lời khai của kẻ chi 20 tỷ điều chuyển ông Đinh Văn Nơi

Công Luân 09/05/2023 07:24

Lời khai của bị cáo Trần Trí Mãnh, chủ doanh nghiệp chi 20 tỷ đồng “chạy” điều chuyển Giám đốc Công an Đinh Văn Nơi vì không thể làm quen tiếp tục gây xôn xao dư luận. Và từ đây cũng có một câu chuyện đáng suy ngẫm về tư duy của một bộ phận người Việt mà hay bắt đầu bằng câu cửa miệng, “mày biết tao là ai không”.

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo cáo trạng, công ty của Mãnh tại An Giang, chuyên sản xuất kinh doanh dầu nhớt, phụ tùng xe gắn máy giả nhiều chủng loại. Nhận thấy Thiếu tướng Đinh Văn Nơi (thời điểm mới về nhận nhiệm vụ ở An Giang) chỉ đạo tăng cường tấn công trấn áp các loại tội phạm, sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình, nên Mãnh tìm người để làm quen mở rộng mối quan hệ. Tuy nhiên, đối tượng đóng giả là người có “thể tác động đến việc điều chuyển công tác” lại khẳng định không quen và thế là kế hoạch điều chuyển công tác ra đời.

Thực tế nhìn vào cáo trạng ai thắc mắc là tại sao Trần Trí Mãnh lại dễ dàng đồng ý chi tới 20 tỷ đến thế để rồi tiền mất tật mang, nghiêm trọng nhất là lâm vào cảnh tù tội. Trong khi vốn dĩ với cái đầu của Mãnh dám ngang nhiên sản xuất hàng giả thu lợi ít nhất phải lớn hơn 20 tỷ đồng rất nhiều thì lý ra những chuyện này vốn dĩ không xảy ra.

Theo phân tích logic thì là như vậy nhưng sự việc này nên nhìn dưới góc độ tâm lý sẽ dễ dàng lý giải hơn. Vốn dĩ Mãnh dễ dàng chi và bị 3 đối tượng lừa đảo bởi vì đánh trúng tâm lý muốn mở rộng mối quan hệ để tăng độ uy tín. Tức là lâu nay người làm ăn thường có thói quen muốn dựa lưng ai đó nói thẳng là những cán bộ lớn để ra oai, để đảm bảo với đối tác về uy tín của bản thân. Và thực tế hiện nay tồn tại một bộ phận có xu hướng không muốn chứng minh uy tín, gầy dựng thương hiệu của bản thân qua sản phẩm, dịch vụ mình kinh doanh bằng những mối quan hệ được mua bằng tiền. Nhất là đối với những thành phần luồn lách, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, cung cấp dịch vụ bị cấm.

Không phải chỉ ở sự việc này mà vốn dĩ điều này đang diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực trong đời sống. Từ chạy án, chạy việc, chạy vào công chức nhà nước… Bao nhiêu người đã rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo nhưng dù tiền mất nhưng vẫn phải câm nín. Bởi nếu nói ra thì sợ bị trù dập mà còn vướng tù tội. Ngay cả như đối với bị cáo Mãnh thì sự việc mới bị bại lộ khi Công an tỉnh An Giang bắt tạm giam về hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả, biết mình bị lừa nên tố giác hành vi của Cảnh và đồng phạm với cơ quan điều tra.

Đây là một vấn nạn cần được nghiêm túc nhìn nhận và sửa chữa mà bắt đầu phải bằng việc thay đổi nhận thức của mỗi người. Tư duy, “mày biết tao là ai không” vốn dĩ đang ăn sâu và tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo lộng hành. Và từ những sự việc xảy ra đều thấy rằng rất ít người được hưởng lợi từ những thứ quan hệ vốn dĩ được mua từ tiền này.

Công Luân

Đọc nhiều