Tư lệnh CSCĐ nói về trận chiến không nhìn thấy kẻ thù
“Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, có chiến sĩ mất cả bà và cha, song vẫn nén nỗi đau để cùng đồng đội ở lại tâm dịch”, trung tướng Phạm Quốc Cương chia sẻ.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vị Tư lệnh CSCĐ cho rằng chiến đấu với Covid-19 là trận chiến chưa có tiền lệ trong suốt chặng đường binh nghiệp của ông. Ông miêu tả ở chiến trường ấy, người lính không nhìn thấy kẻ thù, không biết hướng tấn công của địch nhưng ở phía sau là tính mạng của hàng triệu đồng bào.
01| TRẬN CHIẾN CHƯA TỪNG CÓ TRONG TIỀN LỆ
– Những ngày qua, lực lượng vũ trang cả nước căng mình chống dịch Covid-19. Lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã sát cánh cùng người dân ra sao để đối phó với dịch bệnh?
Từ làn sóng lây nhiễm tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và hiện nay là TP.HCM và các tỉnh phía nam, Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống người dân cả nước. Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng đối phó với các cấp độ của dịch bệnh.
Với phương châm mỗi cán bộ, chiến sĩ CSCĐ là một người tiên phong tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; thời gian qua, toàn lực lượng đã phát huy vai trò là “lá chắn”, tính cơ động chiến đấu cao, sẵn sàng đi vào tâm dịch, đồng hành cùng các lực lượng và nhân dân.
Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tăng cường gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ với trên 300.000 lượt tham gia các tổ liên ngành tại các chốt kiểm soát, khu vực phong tỏa, cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến. Chế độ hoạt động luôn đảm bảo 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết, hoàn cảnh.
Ngoài những đồng chí tham gia tuyến đầu chống dịch, chúng tôi cũng đảm bảo lực lượng bảo vệ các mục tiêu, cơ quan đầu não, cơ quan ngoại giao; bảo vệ các chuyến hàng đặc biệt và đặc biệt là làm nhiệm vụ đấu tranh các chuyên án đặc biệt nguy hiểm về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự.
Các đồng chí còn lại, chúng tôi đã chỉ đạo 100% ứng trực tại đơn vị trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và huy động khi có yêu cầu.
Lực lượng CSCĐ ở tuyến đầu chống dịch cũng đã bắt giữ hàng trăm trường hợp trộm cắp, phạm tội về ma túy, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ bàn giao công an các địa phương xử lý.
Cùng với đó, cán bộ chiến sĩ lực lượng CSCĐ cũng không quên chia sẻ những khó khăn với người dân, động viên đồng đội, các lực lượng chống dịch tại các điểm nóng. Những việc làm này đã góp phần tạo thêm niềm tin vững chắc trong lòng nhân dân và được người dân mến phục.
– Đảng và Nhà nước xác định tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vậy trận chiến này có gì khác biệt so với các trận chiến trước đây của ông, thưa trung tướng?
Như tôi đã nói, làn sóng dịch Covid-19 có quy mô rất rộng lớn, lây nhiễm nhanh, phức tạp, nguy hiểm dẫn tới tác động mạnh mẽ tới tính mạng và đời sống người dân.
Ở chiến trường ấy, người chiến sĩ CSCĐ và các lực lượng tuyến đầu phải chiến đấu khi không nhìn thấy kẻ thù, không biết hướng tấn công của địch. Trong khi đó, ở phía sau là tính mạng của hàng triệu đồng bào.
Người lính CSCĐ còn phải thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy lùi dịch, vừa đảm an ninh trật tự.
Đồng thời, chúng tôi luộn phát huy tinh thần “khi dân cần, khi dân khó, có công an”. Toàn thể lực lượng không quản khó khăn, gian khổ và đã để lại những dấu ấn sâu đậm, hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Thực tế, tôi nắm bắt được có những cán bộ, chiến sĩ 5 tháng không về nhà, 3 tháng cắm chốt. Có những người nửa năm vợ chồng không gặp nhau, cha mẹ gửi con nhỏ cho ông bà chăm sóc, hàng tháng chỉ được nhìn con từ xa.
Những hôm công việc dồn dập, tôi nghe anh em báo cáo rằng không kịp ăn đủ bữa, đồng nghiệp mặt mũi kín bưng, chẳng nhìn thấy mặt nhau, ngủ võng, che lều tránh nắng, sương, mưa bốn bề nước tạt…
Còn nhớ cuối tháng 6, giữa những ngày dịch bệnh cam go tại Bắc Giang, thượng úy Lê Nhữ Hoàng (Tiểu đoàn CSCĐ số 4, Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung bộ) cùng lúc mất cả bà và cha, song vẫn nén nỗi đau riêng để cùng đồng đội ở lại tâm dịch thực hiện nhiệm vụ.
Với làn sóng dịch bệnh thứ tư, thực tế đã ghi nhận có những cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm nCoV khi làm nhiệm vụ, và có cả những người đã hy sinh. Thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh, tôi ghi nhận những nỗ lực, những tấm gương quên mình vì nhân dân của các cán bộ, chiến sĩ trong thời gian qua và sẽ tiếp tục có kế hoạch động viên về mọi mặt để các đồng chí tiếp tục chung tay góp sức cùng nhân dân đẩy lùi dịch bệnh.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm cao độ phòng, chống dịch bệnh, Lời kêu gọi của Tổng bí thư về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, như một lời tuyên bố, khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm sóc tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là một lời động viên của vị người đứng đầu Đảng với các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin chiến thắng dịch bệnh.
Thực hiện lời kêu gọi của Tổng bí thư, cán bộ chiến sĩ lực lượng CSCĐ luôn đoàn kết, đồng lòng, chấp hành tốt các chỉ thị, quy định về giãn cách, thực hiện tốt nguyên tắc 5K, sẵn sàng tiêm vaccine… để cuộc chiến với đại dịch sẽ sớm đến ngày chiến thắng.
Hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tăng cường 2.241 chiến sĩ cho công an các tỉnh, thành phố phía nam gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Toàn thể lực lượng không ngại khó khăn, hoàn cảnh, sẵn sàng chung tay cùng nhân dân cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Xứng đáng là “Quả đấm thép” của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam.
02| XÂY DỰNG CSCĐ TIẾN THẲNG LÊN HIỆN ĐẠI
– Dự thảo Luật CSCĐ dự kiến trong năm 2021 sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét. Xin trung tướng cho biết vì sao dự án luật này ra đời?
Ngày 23/12/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã thông qua Pháp lệnh CSCĐ, đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với lực lượng công an nhân dân nói chung và CSCĐ nói riêng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình chính trị thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, nhiệm vụ đối với CSCĐ ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có một bộ luật tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động của lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội.
– Vậy dự luật này có những điểm mới nổi bật nào, thưa trung tướng?
Luật CSCĐ được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ và bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tiễn hoạt động. Trong đó, điểm nổi bật là bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ; điều chỉnh, làm rõ quy định về hoạt động, hợp tác quốc tế của CSCĐ; thẩm quyền của Tư lệnh CSCĐ…
Về nhiệm vụ, CSCĐ được bổ sung thêm 3 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh quân sự đối với CSCĐ và học viên trong Công an Nhân dân; huấn luyện phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các ngành, địa phương; huấn luyện, đào tạo về bảo vệ cho các cơ quan, tổ chức ngoài ngành công an.
Thứ hai, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động của CSCĐ.
Thứ ba, phối hợp với các lực lượng có liên quan đấu tranh chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Về quyền hạn, CSCĐ được bổ sung 2 quyền. Thứ nhất, CSCĐ sẽ được mang theo người, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thuyền trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng…
Thứ hai, CSCĐ có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.
– Với việc xây dựng dự thảo Luật CSCĐ, ông kỳ vọng gì ở lực lượng CSCĐ trong thời gian tới?
Nếu dự thảo Luật CSCĐ được thông qua, chúng tôi kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập của pháp luật hiện hành về CSCĐ và sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để CSCĐ thực hiện tốt chức năng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia.
Đặc biệt, việc luật hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ đảm bảo yêu cầu hợp tác quốc tế và điều kiện cho hoạt động của CSCĐ trong tình hình mới…
Đồng thời, thời gian tới, tôi cũng kỳ vọng CSCĐ sẽ tiến thẳng lên hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng đã nêu; từng bước có được hệ thống thao trường, bãi tập, các trang bị vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại ngang tầm khu vực và trên thế giới để phát huy tốt uy lực, đảm bảo tính cơ động nhanh, thích ứng với mọi loại địa hình, địa vật và các tình huống. Từ đó, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.
03| CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG SẼ CÓ MÁY BAY, TÀU THỦY
– Trong dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất thành lập mới lực lượng không cảnh và thủy cảnh. Đâu là nguyên nhân của đề xuất này, thưa trung tướng?
Có nhiều cơ sở để đề xuất bổ sung lực lượng này vào cơ cấu của CSCĐ, nhưng quan trọng nhất đó là chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII, phần về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó đã xác định CSCĐ là một trong các lực lượng thuộc Công an Nhân dân được ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại.
Do đó, việc bổ sung lực lượng không cảnh, thủy cảnh vào cơ cấu CSCĐ cũng là thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời đây là căn cứ pháp lý để xây dựng các lực lượng chuyên trách trong từng lĩnh vực hoạt động gắn với yêu cầu thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ.
Mặt khác, theo quy định của Pháp lệnh CSCĐ và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh có nêu rõ: CSCĐ được trang bị các loại phương tiện cơ giới đường không, đường thủy phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.
Thực tế hiện nay, tội phạm không chỉ hoạt động ở thành phố, đồng bằng, đồi núi và cả trên phương tiện cơ giới đường không, đường thủy. Các tính huống cứu nạn, cứu hộ, sự cố cũng không chỉ xảy ra ở thành phố, đồng bằng, trung du, miền núi mà cả trên không, trên đường thủy…
Từ các cơ sở trên, Bộ Công an đã thành lập các đơn vị không cảnh, thủy cảnh và giao cho Bộ Tư lệnh CSCĐ trực tiếp quản lý, huấn luyện và sử dụng.
Hải quân, không quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ quản lý, giữ vững chủ quyền, bầu trời của Tổ quốc nên có nhiều loại máy bay như phản lực, trực thăng, tàu bay vận tải lớn. Hải quân và cảnh sát biển có nhiệm vụ quản lý và giữ vững vùng biển, hải phận của Tổ quốc với nhiều loại tàu theo yêu cầu nhiệm vụ như: Tàu chiến, tàu ngầm…
Các đơn vị không cảnh, thủy cảnh trực thuộc CSCĐ là những đơn vị được trang bị và sử dụng phương tiện cơ giới đường không, phương tiện cơ giới đường thủy để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, cơ động chiến đấu phòng chống tội phạm khủng bố, giải cứu con tin, cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp cấp bách nhất mà các phương tiện khác không thể ứng phó nhanh được.
Mặt khác, không cảnh và thủy cảnh còn vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, vũ khí, nhu yếu phẩm trong tình huống đột xuất ở các địa hình mà các phương tiện khác không thể tiếp cận được. Có thể lấy ví dụ tại địa hình khó khăn, hiểm trở, thiên tai, bão lũ giao thông bị chia cắt…
Thực tiễn trên thế giới, các lực lượng đặc nhiệm, cảnh sát tại nhiều nước đã được trang bị máy bay để thực hiện nhiệm vụ rất kịp thời và hiệu quả.
Do đó, mỗi lực lượng đều có nhiệm vụ đặc thù khác nhau. Trong đó, lực lượng không cảnh và thủy cảnh sẽ tập trung vào tính cơ động và đảm bảo an ninh trong nước.
– Xin cảm ơn trung tướng!
Hồng Quang