Thứ trưởng Mỹ nói về mở rộng “Bộ tứ kim cương”: Nước nào cũng có thể tham gia, chỉ cần 1 yếu tố

Hoài Nam 13/10/2020 19:57

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nhấn mạnh “Bộ tứ kim cương” cởi mở với tất cả các nước có cùng quan điểm ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Đối thoại an ninh bốn bên, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc (nhóm QUAD) còn được biết đến với tên gọi Tứ giác kim cương. Trung Quốc xem bộ tứ này là một tập hợp ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh dù QUAD luôn tránh công khai tự nhận như vậy.

“QUAD là một mối quan hệ đối tác được thúc đẩy bởi lợi ích chung, không có nghĩa vụ ràng buộc và không có ý định trở thành một nhóm dành riêng cho nhóm quốc gia nào đó”, ông Biegun nhấn mạnh trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn và gởi tới truyền thông ngày 12-10.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun – Ảnh: AFP

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ hiện đang ở New Delhi, Ấn Độ để chuẩn bị cho cuộc đối thoại an ninh song phương Mỹ – Ấn dự kiến diễn ra cuối tháng này.

“Bất kỳ quốc gia nào muốn tìm kiếm một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở cũng như sẵn sàng thực hiện các bước để đảm bảo điều đó, đều nên được hoan nghênh làm việc với chúng tôi”, Hãng tin Reuters trích lời ông Biegun.

Nhà ngoại giao cấp cao Mỹ cũng kêu gọi nhóm QUAD và ASEAN tăng cường hợp tác sâu hơn nữa, cùng bảo vệ tự do hàng hải.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper có khả năng sẽ bay đến New Delhi để tham dự cuộc đối thoại “2+2” với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh, một nguồn tin chính phủ ở New Delhi cho biết.

Ấn Độ, quốc gia đang có những căng thẳng trên biên giới với Trung Quốc, dù là một phần của QUAD nhưng khéo léo tránh bị lôi vào các liên minh do Mỹ dẫn đầu. Mối lo ngại của New Delhi cũng là nỗi lo chung của một số nước khác khi chứng kiến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nói về điều này, Thứ trưởng Biegun của Mỹ nhấn mạnh Washington không có ý định thay đổi truyền thống đối ngoại hay can thiệp vào quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ. Thay vào đó, Mỹ muốn tạo dựng một mối quan hệ dựa trên lợi ích chung, nỗ lực tìm cách giúp Ấn Độ tăng cường hơn nữa thực lực của mình và triển khai nó trên toàn khu vực.

Theo hướng đó, Washington có thể tăng cường bán khí tài quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ấn Độ, nhà ngoại giao số hai của Mỹ cho biết. Mỹ đã nổi lên như một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ, thay thế Nga trong vài thập kỷ trở lại đây.

Hoài Nam (t.h)

Tags :
Đọc nhiều