Tư duy thể chế vượt trội, ngang tầm thời đại

06/08/2019 11:36

Nhà nước có năng lực và có trách nhiệm giải trình. Điều này tương ứng với việc hoàn thiện ba bộ phận quan trọng cần tôn trọng trong phát triển là kinh tế thị trường, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền.

Báo cáo Việt Nam 2035 nhấn mạnh các mục tiêu tăng trưởng có chất lượng, với một xã hội phát triển toàn diện trên ba trụ cột là:

Thịnh vượng về kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Mục tiêu này đạt được khi coi trọng khu vực tư nhân, phát huy động lực của quá trình đô thị hóa được kiểm soát và phát triển KHCN sáng tạo…

Công bằng xã hội và hòa nhập xã hội, tạo cơ hội cho các tầng lớp còn yếu thế như người thiểu số, người khuyết tật… Trong lĩnh vực xã hội, cần chú trọng đến phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.

Nhà nước có năng lực và có trách nhiệm giải trình. Điều này tương ứng với việc hoàn thiện ba bộ phận quan trọng cần tôn trọng trong phát triển là kinh tế thị trường, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền.

Trong trụ cột đầu tiên về xây dựng đất nước thịnh vượng, bên cạnh việc tăng năng suất lao động dựa vào đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng phát triển, một vấn đề quan trọng liên quan đến động lực phát triển của đất nước là coi trọng khu vực tư nhân. Đây là một quan điểm quan trọng bậc nhất để tạo nên động lực phát triển trong cả trước mắt mà có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Trong trụ cột thứ hai chính là hiểu về công bằng theo cách “hài hòa”, tạo cơ hội cho mọi người, chú ý người yếu thế trong phát triển.

Vai trò của Nhà nước kiến tạo và phục vụ là rất quan trọng để tạo ra môi trường vĩ mô cho phát triển.

Từ các phân tích trong hai bài trên, tôi xin nêu ra một số suy nghĩ về các giải pháp cần thực hiện tới đây:

Thứ nhất, chuyển từ phương thức tăng trưởng đơn giản, quảng canh (tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng chỉ vì người nghèo, hoặc dàn đều giữa các địa phương…) sang phương thức tăng trưởng hài hòa, “thông minh” hơn, tạo cơ hội cho mọi người cùng phát triển. Đây là vấn đề chưa được thống nhất.

Tư duy thể chế vượt trội, ngang tầm thời đại
Phát triển hài hoà phải hướng tới mục tiêu tối thượng vì con người, phù hợp với quan điểm phát triển bền vững của nhân loại.

Hài hòa không có nghĩa là cào bằng. Chẳng hạn, để Thành phố Hồ Chí Minh có thể là nơi phát triển mạnh nhất, trở thành “đầu tầu” cho kinh tế cả vùng, cả nước thì cần trao cho Thành phố này một số cơ chế đặc thù đặc biệt (“đầu tầu” không thể điều hành như “toa tầu”).

Cũng vậy, Phú Quốc cần được chuyển đổi, không thể chỉ coi như một huyện thông thường, mà cần có cơ chế riêng để có thể phát huy hết năng lực thu hút vốn, công nghệ và quản lý hiện đại, tạo ra khâu đột phá cho kinh tế cả nước, ngang tầm thời đại.

Thứ hai, phát triển hài hòa đòi hỏi có phương thức quản lý và hệ thống tiêu chí mang tính đa mục tiêu để tất cả các bộ phận hợp thành có thể phát huy hết lợi thế so sánh và tác động liên kết, lan tỏa trong hệ thống vẹn toàn, thích ứng với điều kiện thế giới đang chuyển động của thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ hiện đại.

Phương thức quản trị mới này đòi hỏi cần được kết nối với hệ thống quản trị toàn cầu trong “thế giới phẳng”. Khi đó, cái cá biệt của Việt Nam phải tuân thủ cái phổ biến, phổ quát của thời đại toàn cầu hóa mà không phải ngược lại.

Thứ ba, phát triển hài hoà phải hướng tới mục tiêu tối thượng vì con người, phù hợp với quan điểm phát triển bền vững của nhân loại. Các mục tiêu thiên niên kỷ mới của Liên Hiệp Quốc hướng tới năm 2030 gồm 17 tiêu chí và hàng trăm chỉ tiêu cụ thể chính là các thành phần của chương trình hành động quốc gia trong dài hạn.

Một số giải pháp cho thể chế vượt trội

Một là, trong phát triển hài hòa, thể chế vận hành của cả nước cần có những chuyển biến thích ứng, kể cả sửa đổi luật pháp, cơ chế, quy tắc… Đây là yếu tố thể chế cần được quan tâm trước hết. Từ đó mới có thể có bộ máy và viên chức tương ứng để điều hành quá trình phát triển, thích ứng với nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi mau lẹ. Thể chế vượt trội, ngang tầm thời đại, chứ không chỉ tốt hơn là yêu cầu của quan điểm hài hòa một cách hiệu quả.

Hai là, phát triển hài hòa phải coi trọng nhân tố con người, chú trọng các yếu tố về phát triển xã hội, văn hóa và bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế phải coi khu vực kinh tế tư nhân và nền kinh tế bản địa như động lực chủ yếu của phát triển, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất. Trong thời đại toàn cầu hóa, vấn đề dân tộc chỉ có thể thực hiện được khi gắn kết với các lợi thế của thời đại.

Ba là, phải gắn vấn đề tạo tích lũy vốn với tiến bộ và đổi mới khoa học công nghệ để tạo nên sự phát triển vượt trội mang tính thời đại, chống lại quá trình bị “xâm lược” của thực dân kiểu mới do chấp nhận các nguồn vốn đi kèm công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm, cuối cùng làm giảm sức cạnh tranh của đất nước.

Trong điều kiện mới, cần lựa chọn các nhà đầu tư quốc tế hàng đầu để đưa đất nước có sản phẩm và dịch vụ có sức cạnh tranh mạnh nhất, trong cả các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp vừa và nhỏ…

Những gợi ý chính sách

Theo quan điểm phát triển hài hòa, bao trùm là cả một quá trình tiệm cận với sự hợp lý và công bằng. Một khi “mô hình” tăng trưởng hiện tại còn nhiều khiếm khuyết thì quá trình chuyển đổi cũng diễn ra quá nhiều giai đoạn. Xin có mấy kiến nghị cụ thể.

Thứ nhất, việc chuyển đổi sang mô hình phát triển hài hòa cần được giới lãnh đạo cao nhất quán triệt và thể chế hóa bằng các quan điểm, luật lệ và bộ máy thích ứng, không chấp nhận cách làm nửa vời, vì không thể thích ứng với thời đại cạnh tranh gay gắt.

Như vậy, để chuyển đổi mang tính hệ thống, cần chuyển biến trong cả hệ thống, từ trên. Không nên làm đổi mới do áp lực từ cơ sở và quốc tế, sẽ thụ động và mất thời cơ.

Thứ hai, phát triển hài hòa nhưng lại cần có những khâu đột phá. Với các vấn đề mới, chấp nhận cho làm thử nghiệm để mở rộng ra toàn quốc một cách chủ động, không cần “phá rào”, mà phải hành động thông minh do nhận thức chủ động của cơ quan lãnh đạo, của lãnh tụ.

Thứ ba, dù muốn tiến nhanh nhưng cũng cần có lộ trình phù hợp, trong đó 5 năm trước mắt là giai đoạn chuẩn bị để 10-15-20 năm sau tiến bước mạnh mẽ. Từ đó xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa, thích hợp với từng ngành, địa phương, không “nói nhiều làm ít”, không chấp nhận cách nói như nghị quyết, nhưng làm lựa chọn theo lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam VIDERI

Đọc nhiều