3
category
528288

Cơ quan Đối ngoại EU xuyên tạc trắng trợn quyền tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam

Bảo An 28/06/2021 16:44

Trong những năm qua, nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế (cả hợp pháp và bất hợp pháp) đã liên tục đưa ra các bản báo cáo, đánh giá về tự do, dân chủ, nhân quyền đối với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh một số bảng xếp hạng khách quan thì nhiều bảng xếp hạng được đưa ra không chính xác, vô căn cứ, dựa trên những thông tin, số liệu thiếu chính xác để đưa ra kết luận về tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền đối với Việt Nam.. Vừa qua, cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) xếp việt Nam ở hạng 175/180 quốc gia về tự do báo chí. Đây là một xếp hạng thiếu khách quan, không đúng thực tiễn tại Việt Nam.

Cơ quan Đối ngoại EU tiếp tục đưa ra báo cáo sai sự thật về quyền tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam.
Cơ quan Đối ngoại EU tiếp tục đưa ra báo cáo sai sự thật về quyền tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam.

Vừa qua, EEAS lại tiếp tục đưa ra những đánh giá không chính xác về tình hình dân chủ, nhân quyền, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam. Cơ quan này xếp Việt Nam ở hạng 175/180 quốc gia về tự do báo chí, Đồng thời, EEAS còn đưa ra nhiều đánh giá không chính xác như: “người dùng mạng xã hội ngày càng phải đối mặt với sự kiểm duyệt độc đoán khi chia sẽ những quan điểm mang tính chỉ trích”, “Chính phủ ép buộc các công ty truyền thông xã hội quốc tế lớn gỡ bỏ các tài khoản hoặc nội dung chỉ trích Chính phủ, tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại”, “Cả năm 2020, một số blogger, nhà báo và những nhà hoạt động vì nhân quyền đã bị bắt, hoặc bị kết án, nhà nước tiếp tục kiểm soát các phương tiện truyền thông và hạn chế quyền tự do ngôn luận cả trên mạng xã hội và ngoài đời thực”, “tự do báo chí còn kém”…

hình ảnh Nhận định sai lệch, thiếu khách quan về vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam
Nhận định sai lệch, thiếu khách quan về vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam

Cần phải khẳng định rõ, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chính thực tiễn đời sống báo chí tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này.

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nhịp sống thông tin tại Việt Nam đã có những thay đổi nhanh chóng. Mỗi người dân không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận thông tin một cách thụ động từ các cơ quan thông tấn, báo chí mà chính họ cũng trở thành các “thông tin viên” trên mạng xã hội. Theo báo cáo thống kê của Digital, đến cuối năm 2020, Việt Nam có số lượng người dùng internet là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân). Thông qua các tài khoản mạng xã hội của cá nhân, người dùng đã đăng tải thông tin muôn hình muôn vẻ về đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… của đất nước.

Cùng với đó, báo chí Việt Nam cũng đang có những sự thay đổi nhanh chóng. Cùng với các cơ quan báo chí công lập, các đơn vị tư nhân cũng đang tích cực tham gia vào hoạt động này. Báo chí ở Việt Nam phát triển đầy đủ các loại hình, từ báo in, báo hình, báo phát thanh cho đến báo điện tử. Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Báo chí Việt Nam không chỉ dừng lại ở chức năng thông tin mà còn phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Thông qua báo chí, nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã bị phanh phui; nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao đã bị xử lý về các hành vi vi phạm.

Những luận điệu vu khống chính quyền Việt Nam “ngăn chặn tự do báo chí, tự do thông tin” là hoàn toàn vô căn cứ, thiếu chính xác. Có thể khẳng định, cùng với báo chí chuyên nghiệp, mạng xã hội đã bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Việc đổ lỗi cho Chính phủ Việt Nam “kiểm soát thông tin” là nhận định mang tính chủ quan, một chiều. Thời gian qua, không ít đối tượng đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để thưc hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi vi phạm này diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, từ nói xấu, bôi nhọ, xì nhục cá nhân khác trong cộng đồng cho đến việc tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, nhiều đối tượng xấu, chống đối, cơ hội đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để làm, phát tán những thông tin sai trái về tình hình đất nước, kích động tư tưởng hoài nghi, gây thù hằn, nghi kỵ, mâu thuẫn dân tộc. Đồng thời, các thế lực thù địch cũng đã triệt để lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm công kích, chống phá chế độ, tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” từ bên trong nội bộ. Nhiều đối tượng chống núp dưới danh nghĩa “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” đã bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử lý các đối tượng này là khách quan, không phải là “ngăn cản tự do báo chí” như luận điệu xấu được rêu rao.

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay tại Việt Nam, chắc chắn không thể xảy ra việc chính quyền “ngăn cản tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “kiểm soát thông tin một cách độc đoán”. Mặt khác, Nhà nước Việt Nam cũng không cần ngăn cản tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việc vu khống Việt Nam không có tự do báo chí suy cho cùng cũng chỉ là một chiêu trò, thủ đoạn công kích hình ảnh Việt Nam.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều