Từ đầu năm đến nay có 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật
Từ đầu năm đến nay có 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật, qua đó góp phần đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đây là nội dung đáng chú ý vừa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo các đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định. Từ đó đã góp phần đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Việc này cũng nhằm phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của cán bộ, công chức; tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ cho đội ngũ cán bộ, công chức các bộ, cơ quan, địa phương yên tâm thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ theo quy định.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Qua đó, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đề ra, từng bước nâng cao trách nhiệm, phối hợp hiệu quả trong quản lý điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức dần đi vào thực chất
Bên cạnh đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức tại các bộ, cơ quan, địa phương đã dần đi vào thực chất, gắn kết hơn với kết quả công việc, sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Việc này cũng được thực hiện đồng bộ với quy định của Đảng trong xác định tỷ lệ xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với đảng viên và cán bộ, công chức.
Tổng hợp từ báo cáo của bộ, ngành, địa phương về kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, trong tổng số 254.757 công chức có 45.696 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (tỷ lệ 22,88%), 165.939 người hoàn thành tốt nhiệm vụ (tỷ lệ 56,68%), 28.689 người hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ 18,69%) và 14.733 người không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ 1,75%).
Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 3.664 công chức. Trong đó, bộ, ngành Trung ương tuyển 488 công chức, địa phương tuyển 3.176 công chức.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 1.688 công chức. Trong đó bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức; địa phương tuyển dụng 1.519 công chức.
Qua đó, góp phần quan trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm.
Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước cán bộ, công chức suy thoái
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, Chính phủ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức; thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức; hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng, trình độ chuyên môn giỏi.
Cùng với đó là đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm thực chất, lấy kết quả, sản phẩm công việc cụ thể làm tiêu chí quan trọng.
Đáng chú ý là việc tiếp nhận, xử lý hiệu quả thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức sẽ làm căn cứ trong đánh giá theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm soát quyền lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện quy định của pháp luật về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bích Ngân