Từ “cửa tử” thuế quan, Việt Nam bước vào “cửa mở” chiến lược

07/07/2025 14:08

Ngay trước hạn chót 9/7 – thời điểm chính quyền Mỹ dự kiến triển khai các biện pháp thuế đối ứng với hơn 100 quốc gia – Việt Nam đã đi trước một bước: chủ động đàm phán và đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Washington.

Việt Nam đang “cởi bỏ” dần áp lực thuế đối ứng…

Theo thông báo mới nhất, Mỹ đã chính thức lùi thời điểm áp dụng thuế đối ứng đến ngày 1/8, đồng thời xác nhận Việt Nam là một trong số ít quốc gia được điều chỉnh mức thuế theo hướng có lợi hơn. Thay vì bị áp mức thuế 46% như kế hoạch, hàng hóa từ Việt Nam chỉ chịu thuế 20% nếu chứng minh được tỷ lệ nội địa hóa. Đặc biệt, hàng hóa sản xuất 100% tại Việt Nam sẽ được áp thuế 10% – mức thấp nhất trong nhóm các nước đang phát triển.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành dệt may và điện tử, tăng hơn 10%, phản ánh tâm lý lạc quan. Tuy nhiên, một số ngành như thủy sản và khu công nghiệp chịu áp lực do lo ngại thuế tăng từ 0% lên 20%.

Theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích tại Maybank Investment Bank Việt Nam (MSVN), phản ứng tiêu cực từ một số nhóm ngành trên thị trường, đặc biệt là thủy sản, có phần “thái quá”. Bởi thực tế, với mức thuế 20% – thấp hơn đáng kể so với thuế suất áp lên Mexico (46%) hay Trung Quốc (55%) – các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng điều chỉnh chiến lược để thích nghi. Với chi phí sản xuất thấp hơn 10–15% so với khu vực, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh rõ rệt, kể cả so với những quốc gia có mức thuế thấp hơn như Đài Loan (18%).

Điều đáng chú ý là ngay sau khi thông tin thỏa thuận được công bố, thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu chững lại nhưng không hề hoảng loạn. Khối ngoại quay lại mua ròng – dấu hiệu cho thấy niềm tin vào khả năng kiểm soát và ổn định vĩ mô. Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chốt lời ngắn hạn để theo dõi thêm diễn biến, nhưng tâm lý chung vẫn ổn định. Đó là điểm rất khác so với những phản ứng trước đây khi Việt Nam từng đối mặt với các rủi ro về thương mại.

Về dài hạn, thỏa thuận này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc chuyển vai trò từ trung chuyển sang trung tâm sản xuất. Mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển có thể khiến các công ty đa quốc gia tính toán lại chuỗi cung ứng, thay vì lợi dụng Việt Nam như một điểm trung chuyển, họ sẽ đầu tư sâu hơn để sản xuất nội địa tại Việt Nam – điều sẽ giúp Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao công nghệ và tạo thêm giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực tế, nhiều ngành như điện tử và dệt may của Việt Nam hiện đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40–50%, đủ sức đáp ứng tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi thuế thấp hơn. Đây là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình nâng cấp năng lực sản xuất trong nước, theo đúng định hướng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nêu: phát triển nội lực, thu hút đầu tư có chọn lọc, và thúc đẩy doanh nghiệp Việt đảm nhiệm các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn.

Điều quan trọng hơn cả, theo ông Thành, là chúng ta đã bước ra khỏi viễn cảnh xấu nhất – bị áp thuế 46% trên diện rộng – và chuyển sang một kịch bản “tốt, và có thể còn tốt hơn”. Chính sách ngoại giao chủ động, nền tảng sản xuất đủ mạnh và năng lực đàm phán hiệu quả đã giúp Việt Nam trở thành một trong ba quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận với Mỹ, bên cạnh Ấn Độ và Anh.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp, các quốc gia không thể trông đợi sự ổn định lâu dài mà phải luôn sẵn sàng thích nghi. Việt Nam đang chứng minh được điều đó: không chỉ vượt qua thách thức, mà còn tận dụng nó như đòn bẩy để cơ cấu lại nền sản xuất, nâng cấp chuỗi giá trị và củng cố vị thế chiến lược.

Rủi ro thuế quan không còn là đòn giáng bất ngờ, mà là chất xúc tác để Việt Nam vươn mình. Thỏa thuận thuế với Mỹ không chỉ là thành công ngoại giao, mà là lời khẳng định bản lĩnh điều hành kinh tế chủ động, linh hoạt, và tầm nhìn dài hạn – những yếu tố cốt lõi đưa nền kinh tế đến với giai đoạn phát triển mới.

Ngọc Lâm 

Đọc nhiều