28
category
408503

Từ chuyện xe biển xanh đưa đón Phó Bí thư Tỉnh ủy, ngẫm lại đạo làm quan

Hạ Trắng 12/07/2020 15:06

Chuyện Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho xe công vụ vào tận cầu thang sân bay đón người thân, dù lối ra sảnh chỉ cách chưa đầy 100m đã khiến dư luận dậy sóng mấy ngày qua.

Xe biển xanh đón Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên tận cầu thang máy bay.

Cứ nói đơn giản là đi công tác, xe biển xanh đưa ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên hoàn toàn đúng quy định. Nhưng đưa xe vào tận cầu thang máy bay, đón lãnh đạo trong khi xung quanh đang có hàng trăm người dân bước xuống thì trông thật phản cảm.

Chưa kể, sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) không quá đông như các sân bay khác; đường từ máy bay vào cửa đến chỉ từ 70 – 100m, hành khách hầu hết phải đi bộ, thế mà ông Phó Bí thư Tỉnh ủy và cả bầu đàn thê tử ngồi tót sỗ sàng lên xe biển xanh mà đi thì không khỏi khiến dư luận bức xúc. Lối sống trịch thượng, bề trên, ăn trên ngồi tróc vốn dĩ không nên tồn tại ở một “vị quan” địa phương và sống gần dân như thế.

Một cán bộ đảng viên, một lãnh đạo có hành xử như thế thì khó có thể chấp nhận được. Thay vì càng nói càng sai, càng cãi càng tệ thì trong hoàn cảnh hiện nay, một lời xin lỗi của ông ấy với người dân có lẽ sẽ khiến dư luận dễ chịu hơn. Bởi lẽ, so với các lãnh đạo thời kỳ chiến tranh cách mạng thì có vẻ xa quá, thôi thì hãy nhìn vào một người đang đương chức “quan to”, thậm chí là to nhất nước mình để hiểu và học theo ông ấy mà sống cho ra “đạo làm quan”. Đó không ai khác chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Khi ông ấy là ủy viên Trung ương Đảng mà vẫn rụt rè gửi người bạn học tập hồ sơ xin việc cho con, dù bằng cấp, trình độ đào tạo của con mình hoàn toàn đầy đủ. Rồi ngay cả khi con không được tiếp nhận, ông vẫn khiêm nhường cảm ơn, thậm chí cáo lỗi với người bạn được nhờ.

Tổng Bí thứ, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến gia đình bạn Dương Đức Quảng, mừngbạn cưới vợ cho con.

Khi ông ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhưng về thăm ngôi trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, ông vẫn xin được đứng sau khi chụp ảnh, nhường ghế ngồi hàng đầu cho các thầy cô, bạn học lớn tuổi hơn.

Khi ông ấy là người đứng đầu Thủ đô vẫn lặng lẽ một mình đi xe máy về thăm Trường Đại học Tổng hợp trong sự ngỡ ngàng của cô thầy bè bạn. Không xe đưa rước, không trống rong cờ mở, không võng lọng nghênh ngang, chỉ là một người đàn ông cao tuổi tự đi xe về trường.

Khi ông ấy là Chủ tịch Quốc hội, một trong 4 vị trí cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam, đám cưới con gái ông ấy hầu như không ai biết. Sau đó một số bạn bè thân lắm mới nhận được thiếp báo hỷ mà thôi.

Khi ông ấy là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đi dự gặp mặt lớp cũ ông ấy đã nói: Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn… Chức tước như phù vân!

Thư gửi cô giáo cũ do chính tay Tổng Bí thư viết.

Dù ở vị trí cao như thế, Ông ấy vẫn đang sử dụng xe công vụ là một chiếc Toyota Crown 1998 có tuổi đời đã hơn 20 năm. Phu nhân của ông ấy vẫn đi một chiếc xe Cub bình thường; các con ông ấy đều là những công chức nhỏ bé. Nếu chúng ta để ý, có lẽ ngoài dịp thực hiện nghi lễ hay gặp đoàn lãnh đạo cấp cao, ông ấy mới mặc vest. Còn lại với những hoạt động bình thường ông chỉ mặc những bộ quần áo giản dị, có những chiếc áo cũ đến sờn vai. Một cuộc sống giản dị xuất phát từ đạo đức của con người biết giữ gìn phẩm hạnh cá nhân, hòa chung với cuộc sống của nhân dân. Chưa hết, có những bức ảnh Tổng Bí thư ngồi trò chuyện với bà con đồng bào bên hiên nhà đơn sơ mới thấy ấm áp làm sao. Thế nên, hãy nhìn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mà soi lại mình để ngộ ra cái “đạo làm quan” không phải là lên xe xuống ngựa, trống giong cờ mở, chờ người nghênh đón, kính gửi kính thưa, một vâng hai dạ, mà chính là cố xóa nhòa khoảng cách với nhân dân.

Bao năm rồi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vẫn đang sử dụng xe công vụ là một chiếc Toyota Crown 1998 có tuổi đời đã hơn 20 năm.

Nghĩ cho cùng “núi cao phải có đất bồi, núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?”. Có lẽ, chỉ có người thấu hiểu và đạt được “đạo làm quan” thì lòng họ luôn thư thái, lạc quan, hạnh phúc được. Ông ấy chính là một “vị quan” biết con đường để tu dưỡng của mình, vì đạo đức của “quan” ảnh hưởng đến cuộc đời của rất nhiều người khác. Dẫu ở thời đại nào, triều đại nào đi chăng nữa người ta cũng luôn mong có những người làm quan tốt để cho dân nương nhờ.

Hạ Trắng (TH)

Đọc nhiều