Từ chuyện TP.HCM đề nghị hạn chế mặc vest để tiết kiệm điện
Việc TP.HCM đề nghị hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng để tiết kiệm điện mấy ngày qua bỗng nhiên thành chuyện gây xôn xao dư luận, trong khi thực tế đề nghị này không hề mới và cũng rất nhỏ.
Thật ra, hạn chế áo vest, đồ trang trọng chỉ là một khuyến nghị rất nhỏ bên cạnh hàng loạt biện pháp tiết kiệm điện cần làm khác được nêu trong văn bản có hiệu lực từ ngày 16/05 – 30/06/2023 mà UBND TP.HCM vừa gửi đến các sở ban ngành, UBND quận huyện và TP Thủ Đức.
Theo đó, thành phố sẽ thực hiện, và khuyến khích thực hiện các biện pháp sau: đèn chiếu sáng giao thông sẽ mở trễ hơn 30 phút và tắt sớm hơn 30 phút so với hiện nay; giảm 50% chiếu sáng sau 22h trên các tuyến đường ít người qua lại; giảm 50% đèn quảng cáo và tắt toàn bộ đèn trang trí sau 22h; hạn chế sử dụng 50% thang máy; máy lạnh để ở mức 26°C, mở trễ hơn giờ làm việc 1 tiếng và tắt sớm hơn 1 tiếng; tắt và hạn chế đèn hành lang, đèn bãi xe đối với trường học, cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, cơ sở công nghiệp, trung tâm thương mại…
Sở dĩ có văn bản này là vì hiện tượng El Nino đã gây nên tình trạng nắng nóng gay gắt, thường xuyên vượt ngưỡng 39 – 40°C, làm cạn kiệt các hồ chứa, hồ thủy điện. Hệ quả là trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, TP.HCM đã chứng kiến 4 lần phá vỡ kỷ lục sản lượng điện tiêu thụ kể từ khi có điện đến nay. Trong đó, ngày 06/05/2023 đã trở thành ngày tiêu thụ điện cao nhất của thành phố với hơn 94,8 triệu kWh.
Yêu cầu tiết kiệm điện căng thẳng là vậy, nhưng trên một số bài viết thông tin về văn bản quan trọng này của UBND TP.HCM mấy ngày gần đây lại chỉ xoáy vào nội dung hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng để thu hút độc giả. Điều này vô hình trung đã phân tán sự chú ý của người dân vào các biện pháp quan trọng khác mà thành phố đang cần được ủng hộ và hợp tác thực hiện để đảm bảo nguồn cung điện trong giai đoạn khô hạn gay gắt như hiện nay.
Nhìn nhận một cách khách quan, khuyến nghị hạn chế mặc vest, đồ trang trọng đã cho thấy tầm nhìn bao quát, và quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM trong việc chủ động giữ cho tình hình kinh tế – xã hội của thành phố ổn định, không để việc thiếu điện gây tác động tiêu cực đến khu vực sản xuất, và các dịch vụ an sinh quan trọng khác.
Khuyến nghị này không hề mới mẻ hay xa lạ gì với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Một số nước tiên phong trong phong trào “Cool office” như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ… đã luôn khuyến khích nhân viên công sở và quan chức ăn mặc thoáng mát hơn để giảm chi phí điều hòa. Theo một báo cáo được công bố bởi Trung tâm Bảo tồn Năng lượng Nhật Bản, nếu tất cả các công sở đều để điều hòa ở mức 26°C trở lên, thì mỗi 1°C tăng lên đó sẽ giúp làm giảm từ 9 – 13 triệu tấn khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính.
Nhân dịp TP.HCM thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, nên chăng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng nhận thức đúng đắn về năng lượng cho người dân cả nước nói chung, người dân TP.HCM nói riêng. Hãy xem đó không chỉ là vấn đề ý thức công dân, mà còn là cách thức quan trọng góp phần thiết thực giữ cho đất nước ổn định, phát triển bền vững.
Phạm Khoa