Từ chuồng ra chợ, giá thịt heo tăng tới 45%
Giá heo hơi vẫn tiếp tục tăng phi mã tại các tỉnh miền Bắc và đến hôm qua (5.3) miền Nam rục rịch tăng giá tại một vài nơi. Tăng giá heo hơi ngoài thị trường tự do lúc này, ai đang hưởng lợi?
Giá heo tăng mạnh trở lại
Tính từ đầu tháng 3 này, giá heo hơi tại một số địa phương ở phía bắc đã tăng hơn 10.000 đồng/kg, lên mức 85.000 – 86.000 đồng/kg, có nơi hiện mức giá 90.000 đồng/kg. Những gì đang xảy ra trên thị trường đang đi ngược lại nỗ lực kìm giá của các nhà quản lý.
So giá heo hơi đang được bán tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P VN (C.P VN) và Dabaco với giá 73.000 – 75.000 đồng/kg với giá heo hơi tại thị trường tự do phía bắc lúc này đã chênh nhau 10.000 – 12.000 đồng/kg. Hay có thể nói, thương lái mua tại trang trại với giá 75.000 đồng/kg, đưa ra khỏi cổng bán lại với giá 85.000 đồng/kg, đã bỏ túi 10.000 đồng/kg, tương đương 1 triệu đồng/con 100 kg. Một chuyên gia chăn nuôi thuộc thành viên Hiệp hội Chăn nuôi VN tính toán, giá heo hiện tại từ chuồng trại đến khi thành miếng thịt cho người tiêu dùng chế biến đang bị chênh lệch giá từ 25 – 45% do phải qua rất nhiều khâu trung gian như: thương lái, giết mổ, vận chuyển, bán tại chợ sỉ, đưa về chợ bán lẻ mới đến tay người tiêu dùng.
“Heo đưa ra khỏi cổng trại chăn nuôi được thương lái cộng thêm 15%, chi phí giết mổ thêm 5%, rồi thương lái vận chuyển ra chợ đầu mối, pha lóc cộng thêm 15%, về chợ bán lẻ tăng thêm 10%… Như vậy, giá heo hơi tăng lúc này với nhà chăn nuôi không hưởng lợi bằng thương lái và khâu phân phối”, vị này cho biết.
Chưa kịp tái đàn hay gom heo xuất lậu?
Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc C.P VN, cho biết lượng heo mua “gom” của các thương lái ở khu vực miền Bắc vẫn tiếp tục tăng mạnh trong mấy ngày qua. Sau Tết Nguyên đán, C.P VN đã xuất bán mỗi ngày bình quân 17.000 con heo. Tuy nhiên, mấy ngày qua, lượng heo công ty xuất bán tăng lên tối đa gần 70% so với trước. Theo ông Huy, việc tăng sản lượng heo bán ra thị trường liên tục tại thời điểm này chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài được lâu vì một mình C.P cũng không thể “gánh” nổi khi tốc độ tăng sản lượng liên tục thế này.
“Thiết nghĩ các ngành chức năng cần đưa ra những giải pháp nhằm giải tỏa được nạn đầu cơ mà chỉ thương lái có lợi, người tiêu dùng thậm chí mua với giá cao hơn, trong khi thị trường tăng thêm sự bất ổn”, ông Huy nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết nhiều lời đồn đoán hiện tượng gom heo hơi, đẩy giá heo hơi rục rịch tăng là do mua để xuất đi Trung Quốc. Nhưng theo ông, hiện xuất khẩu chính ngạch chưa được, xuất tiểu ngạch hiện tại hầu như không thể do dịch cúm Covid-19. Về nghịch lý không xuất đi được, sản xuất và đi học trong nước vẫn chưa trở lại nếp sống bình thường, vậy tại sao lại có hiện tượng gom hàng? Ông Công cho rằng: “Đây là lúc thị trường đang “ngấm đòn” do các trang trại bị thất thoát lượng heo lớn chưa tái đàn kịp, lượng heo nái bị tiêu hủy trong kỳ dịch lớn khiến heo để tái đàn cung không có. Theo các chuyên gia chăn nuôi, một con heo nái một năm sinh được khoảng 27 – 28 con heo thịt, phải nuôi mất 24 tuần tuổi mới đạt trọng lượng 100 kg để xuất chuồng. Đặc tính sinh học về chu kỳ sinh sản, sinh trưởng và giới hạn tiềm năng di truyền về năng suất của vật nuôi không cho phép nông dân chủ động tăng giảm sản lượng trong một thời gian ngắn. Đó là lý do heo bắt đầu có dấu hiệu khan hàng.
Ông P.V.Hùng, chủ trang trại nuôi heo lớn ở Bà Rịa-Vũng Tàu, bổ sung: Trước đây, tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi heo khi không có dịch bệnh chỉ 3 – 5%, nay vắc xin chưa có, tỷ lệ hao hụt lên đến 25 – 35%, thậm chí có khi thất thoát đến 40%. Thế nên dù không đến mức thiếu thịt heo trong tương lai gần, nhưng giá heo sẽ tăng chứ khó “kéo” về 60.000 – 65.000 đồng/kg heo hơi như dự báo.
Ông Nguyễn Trí Công phân tích: “Việc tái đàn vẫn chưa thành công do dịch bệnh còn rình rập, heo nhỏ bán ra thị trường “chạy” dịch vẫn xảy ra thường xuyên. Nếu tái đàn thành công, với mức giá chỉ 70.000 – 75.000 đồng/kg heo hơi như hiện nay có thể nói đã là siêu lợi nhuận”.
PV/TN