Từ chốn văn phòng đến lề đường, mọi chuyện có thực sự đáng lo?
Những bấp bênh của sản xuất và phân phối giá cả trong những năm gần đây đã và đang gây nên tình trạng chuyển dịch lao động cực kỳ lớn tại Việt Nam. Trong đó, 36,7% lao động trình độ cao tham gia vào lực lượng giao hàng (shipper), xe ôm công nghệ vừa là một tất yếu của hội nhập, vừa là môt bài toán về phân bổ nguồn lực phức tạp, khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Dân số, hiện nay, trên cả nước có khoảng 20,6% lao động trình độ cao đang tham gia lái xe công nghệ, con số này trong ở nhóm giao hàng và giúp việc gia đình lần lượt là 36.7% và 11,4%. Đây đều là những con số “biết nói”. Chúng cho thấy một thực tế là quá trình hội nhập, ứng dụng thành tựu của công nghệ chuyển đổi số ở nước ta đã và đang có những tính hiệu tích cực. Thói quen và nhu cầu sử dụng các loại hình dịch vụ công nghệ đang ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ nhà nước và doanh nghiệp, mà kể cả bản thân từng người lao động cũng có định hướng học hỏi, áp dụng công nghệ vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho mình. Trong đó, lái xe công nghệ đang là công việc mang lại nhiều cơ hội cho không ít người. Bởi theo thống kê, trung bình mỗi ngày, các tài xế xe công nghệ kiếm được từ 200 – 300 nghìn đồng, tức từ 8 đến 12 triệu/tháng. So sánh với mức lương cơ bản của viên chức nhà nước thì số tiền này có thể cao gấp 3 – 4 lần.
Đi liền với sự gia tăng lao động trong lĩnh vực xe ôm công nghệ, chúng ta có sự sụt giảm lực lượng trong các ngành khác. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, cả nước đã ghi nhận hơn 40.000 trường hợp công chức, viên chức bỏ việc, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Có lẽ nào hầu hết họ đều gia nhập vào đội ngũ xe ôm công nghệ?
Chắc chắn rằng không, nhưng chúng ta tuyệt đối không được bỏ qua một vấn đề khác, lớn hơn: Vì sao có sự chuyển dịch lao động như vậy tại một đất nước mà những dư địa cho y tế và giáo dục còn rất lớn? Có phải vì làm một tài xế công nghệ là sung sướng hơn làm một ông thầy không? Xin thưa rằng không. Vì dẫu cho làm tài xế công nghệ là ta được linh hoạt về thời gian làm việc, nếu mệt có thể nghỉ ngơi luôn, không cần “xin phép” bất kỳ ai, nhưng không vì thế mà ta được chủ động trong mọi thứ. Nếu muốn có mức thu nhập cao từ 8 đến 12 triệu/tháng, hầu hết các tài xế đều thường xuyên chạy hơn 10 tiếng mỗi ngày, không hủy chuyến. Đặc biệt, vào những lúc thời tiết khắc nghiệt thì lại càng khó khăn hơn nữa. Bên cạnh đó, các tài xế xe ôm công nghệ cũng gặp rất nhiều rủi ro như khách hàng hủy chuyến, hay khách đặt đồ ăn rồi “bom” không nhận hàng. Khó khăn là thế nhưng rất nhiều người đã và đang xem đây là sinh kế chính – một vấn đề rất đáng bàn hiện nay.
Đồng lương ít ỏi là nguyên nhân đầu tiên và dễ dàng được nhìn thấy nhất. Dẫu cho các chủ trương, chính sách về cải cách chế độ tiền lương đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng có lẽ, như vậy vẫn là chưa đủ, chưa thấm vào đâu. Ngoài ra, đó còn là câu chuyện của áp lực chốn công sở. Nếu nhân viên văn phòng bị KPI trói buộc thì những giáo viên hay người làm trong ngành y tế lại bị bủa vây bởi hàng tá trách nhiệm khác. Áp lực ở đâu cũng có, đặc biệt là áp lực trong công việc thì ai cũng phải chịu đựng và trải qua. Nhưng, thứ áp lực đè lên vai cán bộ, công chức ngành y và sư phạm thì lại kinh khủng hơn rất nhiều. Họ bỏ việc không chỉ vì đồng lương, họ bỏ việc không phải vì họ không đủ đam mê và nhiệt huyết, những áp lực từ nhiều phía cũng là một phần nguyên nhân.
Từ chốn công sở đến lề đường là một thực tế chua chát mà lại tất yếu. Nó cho thấy mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt của môi trường lao động tại Việt Nam – một quốc gia đang chuyển mình hết sức mạnh mẽ. Trong quá trình đó, sẽ có những người tăng tốc cùng với nhịp độ hội nhập của đất nước, cũng sẽ có những người chọn lùi lại và bị bỏ lại phía sau. Trình độ cao hay thấp không quyết định đến tương lai của từng người lao động, mà là bản lĩnh, sự cầu thị và quyết tâm cải thiện đời sống mới là yếu tố chính định hình sức bật của bản thân và dân tộc. Do đó, thực trạng trên dù sao đi nữa vẫn là một thực tế cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ. Chính phủ và các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực, chúng ta hãy cùng họ chung tay một chút.
Khánh Đăng