8
category
456570

Từ chối giàu sang, liều mình chống nạn ‘chảy máu’ vật thiêng

13/12/2020 08:30

Khát vọng gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, nhiều người K’Ho liều mình chống nạn “chảy máu” cổ vật. Họ kiên quyết từ chối những món tiền kếch xù, không bán đi vật thiêng của cha ông.

Từ chối giàu sang, liều mình chống nạn 'chảy máu' vật thiêng
Ông K’Mun Sơn chỉ 2 cặp ché cổ được các tay buôn cổ vật hỏi mua với số tiền bằng nhiều mùa rẫy gộp lại. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

“Thà bán đất, bán trâu chứ không bán ché”

Ngồi cùng vợ trên ngôi nhà sàn đang trên đà xuống cấp, ông ông K’Mun Sơn (ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện kể về vật thiêng của người K’Ho tại cao nguyên Di Linh trong niềm say đắm lạ kỳ.

Ông nói, ở Di Linh này, bây giờ hầu như không còn ai giữ được ché cổ của tổ tiên. Ché cổ vốn đã ít ỏi, nay càng khan hiếm hơn. Ché được các tay buôn cổ vật săn lùng trước khi người K’Ho nơi đây chưa từ bỏ các hủ tục, còn lánh mình sau những vạt rừng.

Lúc ấy, nhà sàn nào cũng có ché ông, ché bà. Khi bước chân vào những gia đình có uy tín trong buôn, người ta phải giật mình, thán phục vì bắt gặp dàn ché cổ to lớn, màu men bóng bẩy, rực rỡ.

Thế rồi những đồng tiền từ giới buôn cổ vật ùa vào buôn làng, cuốn phăng chiêng, ché, xà gạc cổ khỏi nhà người dân. Các bậc cao niên trong thôn K’Ming (thị trấn Di Linh) kể, họ không biết “người Kinh giàu có mua ché để làm gì”.

Thế nhưng, những tay buôn ché cổ trả giá rất cao. Không thể cầm lòng trước món tiền quá lớn, nhiều gia đình người K’Ho chấp nhận bán đi vật thiêng của dòng họ để đổi lấy nhà gạch, ruộng bằng…

Sở hữu bộ sưu tập ché cổ với số lượng lớn, ông K’Mun Sơn dĩ nhiên trở thành “mồi ngon” của những tay buôn cổ vật. Ông nói, mỗi năm, ông gặp và từ chối khách lạ đến hỏi mua ché “không dưới chục lần”.

Từ chối giàu sang, liều mình chống nạn 'chảy máu' vật thiêng
Đây là 2 cặp ché cổ có tên gọi mặt trăng, mặt trời.

Ông Sơn tiết lộ, một nhà nghiên cứu văn hóa tại địa phương xác nhận, hiện nay, chỉ ông mới có đủ 2 cặp ché Nhật – Nguyệt như thế. (Ảnh: Nguyễn Sơn).“Mỗi người đến tìm tôi bằng một cách khác nhau. Có người giả vờ là nhà nghiên cứu văn hóa đến thăm quan ché rồi đặt vấn đề mua lại. Có người thẳng thắn nói rằng mình trong giới buôn ché cổ cho nhà giàu, có người lại tìm cách làm thân rồi tỉ tê, dụ dỗ tôi bán ché. Họ trả giá cao lắm, có người trả cả mấy trăm triệu đồng để mua lại cặp ché ông, ché bà của tôi”, ông K’Mun Sơn kể.

Thế nhưng, ông vẫn quả quyết, “cái bụng mình không ưng bán ché”. Mặc ai trả giá, mặc ai tỉ tê, dụ dỗ, ông vẫn một mực chối từ, kiên quyết không bán.

Để khẳng định ý định của mình, ông nói với chúng tôi rằng, “nếu gia đình gặp chuyện” thà bán đất, bán lúa, bán trâu chứ không bao giờ bán ché.

Liều mình chống nạn “chảy máu” vật thiêng

Ông Sơn nói: “Bây giờ giá ché cổ cao lắm. Tiền bán một cái ché cổ bằng mấy mùa rẫy, mùa lúa. Nhưng bán đi là bán cả nét đẹp văn hóa dân tộc mình, bán đi linh hồn cha ông mình. Tôi không bán để giữ lại văn hóa dân tộc và cũng để làm gương cho người khác”.

Ông Sơn cũng chia sẻ, việc chống lại nạn “chảy máu” cổ vật khiến ông gặp phải không ít rắc rối. Không thuyết phục được ông, các tay buôn cổ vật nhắm đến bà Ka Nhoi, vợ ông. Thậm chí, các đối tượng này còn dụ dỗ, kích động con cái ông để họ thúc ông bán ché.

Từ chối giàu sang, liều mình chống nạn 'chảy máu' vật thiêng
Già làng K’Tiếu cẩn thận lau chùi, cất giữ, bảo quản những vật thiêng của dân tộc mình. (Ảnh: Nguyễn Sơn)

Bà Ka Nhoi kể: “Họ đến nhiều lần lắm. Ban đầu, họ nói chỉ đến xem ché cho biết nhưng sau đó hỏi mua. Họ trả tiền cao lắm. Tôi nói không bán, họ bảo rằng, khi chúng tôi chết đi, con cái tôi cũng bán, có khi còn vứt bỏ. Bây giờ được giá, bán còn có lời. Tuy nhiên, chúng tôi quyết rồi, không bán ché đâu”.

Cũng theo bà Ka Nhoi, không chỉ kiên quyết không bán ché dù gia đình thiếu trước hụt sau, ông Sơn còn vận động bà con trong làng không bán ché cổ, xà gạc cúng,… Ông đến từng gia đình vận động, khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc mình cũng như chia sẻ thêm giá trị tinh thần của những chiếc ché cổ.

Trong khi đó, ông K’Broh cũng kiên quyết nói không với việc bán cổ vật của dân tộc. Bằng uy tín của một cán bộ về hưu, mỗi khi có dịp, ông đều phân tích về những vật thiêng của người K’Ho. Qua đó, ông khuyên bà con không bán ché, bán xà gạc.

Từ chối giàu sang, liều mình chống nạn 'chảy máu' vật thiêng
Ông luôn đau đáu chuyện “chảy máu” vật thiêng và bản sắc văn hóa dân tộc K’Ho dần mai một. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Tại thôn Duệ (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh), già làng K’Tiếu cũng giữ vững tấm gương bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tại huyện Di Linh, già Tiếu được biết đến như người con ưu tú, đầy uy tín của thôn Duệ.

Ông không chỉ nắm rõ các luật tục dân tộc mình mà còn là người truyền lửa văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Thế nên việc ông vẫn giữ gìn các vật thiêng của cộng đồng người K’Ho khiến dân làng cảm phục, “không dám” tự ý bán đi cổ vật của dân tộc.

Già Tiếu nói: “Tôi rất buồn vì những bản sắc của dân tộc mình ngày càng mai một. Người K’Ho đánh mất ché, xà gạc cúng… vào tay lái buôn cổ vật cũng chỉ là một khía cạnh trong việc bản sắc dân tộc bị mai một dần thôi. Tuy vậy, nếu không chữa được cái nhỏ thì làm sao sửa được cái lớn”.

“Khi có người đến nhà hỏi mua ché, xà gạc cúng, tôi đều từ chối và khuyên họ nên rời khỏi buôn làng, tìm một loại vật dụng hay thú vui khác để mua, sưu tầm. Tôi cũng nói thẳng là không chỉ tôi mà các gia đình khác trong thôn nếu còn ché, xà gạc cũng sẽ không bán cho họ đâu”, già Tiếu nói thêm.

Nguyễn Sơn/VNN

Tags :
Đọc nhiều