Từ cặp tượng cá chép hóa rồng của Sóc Trăng

Phan Tâm 23/09/2022 08:56

Thông tin Sóc Trăng dừng xây dựng cặp tượng cá chép hóa rồng nhận được sự quan tâm của dư luận. Lý do là bởi tỉnh muốn ưu tiên ngân sách cho an sinh – xã hội. Điều này một lần nữa cho thấy ở giai đoạn hiện tại, mối quan tâm hàng đầu của các địa phương đã được thay đổi bằng những dự án thiết thực phục vụ đời sống người dân.

Phối cảnh cặp tượng cá chép hoá rồng bên bờ sông Maspero. Ảnh: UBND TP Sóc Trăng cung cấp

Hàng loạt dự án tạm dừng triển khai

Ngày 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết đã yêu cầu TP. Sóc Trăng dừng việc xây dựng cặp tượng cá chép hoá rồng hai bên bờ kè sông Maspero. Nguyên nhân là bởi sau khi xem xét lại tình hình thực tế, Sóc Trăng tự thấy hạng mục này chưa thật sự cần thiết. Hiện tại, tỉnh còn nhiều khó khăn nên muốn dành ngân sách, dồn lực tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm phục vụ giáo dục, an sinh xã hội.

Trước đó không lâu, hai dự án lớn ở TP.HCM là dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (vốn hơn 1.500 tỷ đồng) và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2 (vốn đầu tư hơn 351 tỷ đồng) cũng được thông báo tạm dừng triển khai. Mặc dù, xét về nhu cầu hoàn thiện các thiết chế văn hóa xã hội thì việc xây dựng nhà hát là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Thành phố muốn ưu tiên cho các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển.

Đồng loạt các tỉnh, thành phố đều có động thái rõ ràng và quyết liệt càng minh chứng cho có một làn sóng đảm bảo, đẩy mạnh đầu tư an sinh xã hội đang dâng cao.

Đảm bảo an sinh xã hội là giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế

TP.HCM quyết định thả khinh khí cầu thay vì bắn pháo hoa vào dịp 2/09

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp như: Giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ; giảm, giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội; miễn, giảm phí một số dịch vụ công; giảm, giãn nộp tiền thuê đất… Cùng với đó là chủ trương tăng chi cho an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg về việc thực hiện gói hỗ trợ gần 62 nghìn tỷ. Đây là gói hỗ trợ lớn chưa từng có, được đánh giá rất cao vì tính cấp thiết, thiết thực. Năm 2021, Chính phủ đã dành số tiền 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ. Năm 2022, an sinh xã hội tiếp tục được đưa lên đầu tiên.

Đảm bảo an sinh xã hội được xem là giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng trong nhiều năm tới. Vì thế, tiết kiệm ngân sách, tạm dừng các dự án chưa cấp thiết, ưu tiên cho mục tiêu an sinh xã hội và những hạng mục liên quan đến người dân lúc này là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Phan Tâm

Đọc nhiều