Watergate đã dạy cho Đại hội Đảng bài học cay đắng này

Hạnh Văn 04/01/2021 18:41

Ngày 17 tháng 6 năm 1972, chỉ năm tháng trước cuộc bầu cử, cảnh sát bắt quả tang 5 người đang đột nhập và đánh cắp tài liệu từ trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân Chủ tại tòa nhà Watergate. “Vụ đột nhập đêm hè” trở thành tiền đề cho bê bối chính trị tai tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ, mà cái kết là lần đầu tiên và duy nhất một Tổng thống đã phải từ chức giữa nhiệm kỳ, Richard Nixon. Cái giá phải trả cho những âm mưu và thủ đoạn chống lại đối thủ chính trị bằng mọi giá bất kể pháp luật, là hơn 40 quan chức bị truy tố và kết án với tội danh âm mưu, nghe lén, trộm cắp, cản trở pháp luật, phát tán tài liệu tranh cử bất hợp pháp…

Bê bối Watergate gây chấn động lịch sử.

Dù Tổng thống dường như đã không chỉ đạo vụ đột nhập, nhưng những cố gắng che đậy sự thật cùng dòng tiền ủng hộ tranh cử khuất tất đã giết chết sự nghiệp chính trị của Richard Nixon, đánh dấu một vết nhơ khó quên trong lịch sử chính trị Mỹ.

Và dù mục đích thật sự của vụ đột nhập chưa bao giờ được kết luận rõ ràng, nhưng với bối cảnh cuộc bầu cử gần kề, và địa điểm trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ – nơi đang diễn ra các cuộc họp quanh chiến dịch bầu cử – khó có thể nhìn nhận một động cơ nào khác ngoài việc đánh cắp thông tin liên quan đến chiến dịch, chương trình hành động và phương án nội các của đảng Dân chủ. Sự can thiệp thô bạo và phạm pháp vào hoạt động nội bộ của một đảng phái chính trị của chính quyền Nixon đã đem đến kết cục cay đắng. Truyền thông và người dân nước Mỹ đã phẫn nộ một cách đúng đắn trước bê bối Watergate, nó đã xâm hại những giá trị bất khả xâm phạm. Nhóm Watergate 7 tìm kiếm lợi thế bất công bằng từ những thông tin chiếm đoạt phi pháp từ đối thủ chính trị, và bằng cách đó, đã góp phần đe dọa an ninh quốc gia, thông qua sự chiếm hữu thông tin “mật” của đảng phái đối lập.

Trong vụ án Watergate, dù âm mưu đã bị triệt tiêu trước khi gây thiệt hại đáng kể, nó đã dấy lên lo ngại về mối đe dọa cho sự tồn tại của đảng Dân chủ, hay bất bất kỳ đảng phái nào, trước những thủ đoạn chính trị nguy hiểm. Vì vậy, bảo mật cho những thông tin quan trọng, nhìn chung, là mẫu số chung cho các tổ chức đảng, bởi tính chất nhạy cảm và liên quan mật thiết đến an ninh của một quốc gia hay thể chế. Đây cũng là lý do ứng cử viên Joe Biden đã không công bố người đồng hành đến tận tháng 8, trước cuộc tổng tuyển cử chỉ 3 tháng, và thậm chí danh sách nội các cũng chỉ được công khai sau khi chiến thắng của ông được xác nhận rộng rãi…

Xét về tương quan thể chế, sự cần thiết của việc đảm bảo bí mật danh sách nội các và hoạch định tương lai của đảng cầm quyền Mỹ, cũng tương tự như yếu tố “tuyệt mật” của thông tin công tác tổ chức xây dựng Đảng, đối ngoại, kinh tế – xã hội và quốc phòng tại Việt Nam. Như mọi thể chế, đảm bảo tính tuyệt mật của các thông tin ấy cũng chính là đảm bảo an ninh quốc gia, là vì sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Dù bản chất chính trị có khác nhau, dù thể chế cầm quyền có sự khác biệt, không một nhà nước nào có thể cho phép mình đánh giá thấp tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin bí mật quốc gia. Quên đi nhiệm vụ ấy, cũng là lúc người lãnh đạo đã bỏ mặc sự an nguy của hàng triệu người dân, bỏ mặc sinh mạng của họ trước những hiểm họa diệt vong của dân tộc.

HẠNH VĂN

Đọc nhiều