Truyền thông quốc tế: Việt Nam bứt phá, vượt lên ngang bằng Nhật Bản, Singapore, Canada và Ý
Vừa qua, trang Nikkei Asia Review vừa công bố bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19 (Nikkei COVID Recovery Index), trong đó Việt Nam đã xuất sắc tăng 30 bậc so với BXH trước đó. Đặc biệt, với chỉ số 63.0, Việt Nam đang đứng ngang vị trí với Canada, Ý, Nhật và Singapore.
Được biết, BXH được Nikkei điều chỉnh dựa trên các khảo sát về khả năng quản lý dịch bệnh, triển khai vaccine và mức độ tự do trong di chuyển, sau khi đánh giá tất cả các số liệu của 121 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo đó, xếp hạng càng cao thì quốc gia, vùng lãnh thổ đó càng tăng khả năng phục hồi, cũng như có tỷ lệ nhiễm bệnh, tử vong thấp, bao phủ tiêm chủng tốt và ít hạn chế trong di chuyển hơn. Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực và quyết tâm trong chính sách chống dịch đi đúng hưởng, từ đó tạo đà cho phục hồi kinh tế – xã hội, mang lại nhiều kết quả rõ nét.
Theo Nikkei, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 của cả nước đã tăng 2% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý chỉ số này đã tăng đều đặn qua các tháng khẳng định tính ổn định trong hoạt động sản xuất, từ đó tạo niềm tin cho kế hoạch tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Hơn nữa, việc kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ tiêm chủng vaccine, tự do đi lại cũng như số lượng người trở nặng do Covid-19 tại Việt Nam ngày càng thấp chính là các yếu tố giúp Việt Nam phục hồi vô cùng nhanh chóng.
Không chỉ được Nikkei Asian Review tăng bậc và đưa ra những đánh giá khả quan, kết quả phục hồi của Việt Nam cũng trùng khớp với nhiều nhận định được các trang báo quốc tế uy tín phân tích, một lần nữa tái khẳng định nền kinh tế được giữ vững và duy trì đà tăng trưởng là kết quả của một quá trình kiểm soát tốt đại dịch của Việt Nam.
Trang Bloomberg trước đó đã đưa tin: “Việt Nam ghi nhận ngày đầu tiên không ca tử vong do COVID-19” hay “Việt Nam tạm dừng khai báo y tế nội địa” được đăng tải trên trang Nation Thailand. Với nhận định, việc tạm thời bãi bỏ yêu cầu này là động thái mới nhất trong nỗ lực chung sống với COVID-19, tất cả là do Việt Nam đã chủ động chiến dịch tiêm chủng vaccine.
Ông Torben Minko – Hiệp hội Doanh nghiệp Đức GBA tại Việt Nam chia sẻ trên Bloomberg: “TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, thậm chí cao hơn các nước phương Tây. Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả tốt trong việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với một số thị trường lớn. Đây là một bước đi tích cực cho sự trở lại của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài”.
Trước đó, trả lời Reuters, bà Era Dabla Norris – Vụ châu Á – Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho biết rằng: “Chiến dịch triển khai tiêm vaccine đầy ấn tượng của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh. Tuy nhiên, cho đến nay sự phục hồi cần đồng đều hơn nữa như khu vực dịch vụ vẫn còn chậm hơn so với các lĩnh vực khác. Chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023 nhờ việc thực hiện kịp thời và đúng hướng các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”.
Kiểm soát dịch COVID-19 cũng giúp Việt Nam thực hiện được quyết tâm tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. 4 tháng đầu năm, Việt Nam chứng kiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao kỷ lục, ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước và là giá trị cao nhất của 4 tháng kể từ năm 2018 cho đến nay.
“Tôi coi thực tế FDI đang quay trở lại là một dấu hiệu rất tích cực của nền kinh tế Việt Nam, cũng như việc Việt Nam đã xử lý tốt đại dịch COVID-19. Việt Nam có chính sách ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể với khoảng 100 tỷ USD, có khả năng cạnh tranh về chi phí đáng kể so với các quốc gia khác, ông Tim Evans – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam trả lời Nation Thailand .
Phục hồi nhanh sau COVID-19 cũng đã giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với tiêu đề “Nhiều nhà cung ứng chọn Đông Nam Á để tìm kiếm các giải pháp thay thế sản xuất”, bài viết trên Chuyên trang SupplyChainDive khẳng định, Việt Nam là một trong những ưu tiên của các nhà sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, qua đó vượt qua những khó khăn về giá cả và thời gian vận chuyển gần đây.
Bảo Trâm (Theo Nikkei, Bloomberg, Reuters…)