425
category
408392

Trường tư lo khó ‘sống’ nếu không được dạy trước khai giảng

10/07/2020 07:15

Một số trường ngoài công lập cho rằng nếu nghỉ hè 3 tháng thì sẽ chẳng khác gì năm nào cũng gặp “đại họa”. 

Mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9, các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9.

Với các trường tư thục, Bộ sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 13/2011 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.

Dù chưa rõ nội dung sửa đổi, song nhiều trường tư thục tỏ ra lo lắng, hoang mang trước thông tin không được dạy trước khai giảng.

Trường tư lo khó 'sống' nếu không được dạy trước khai giảng
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm Nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định ngày tựu trường đối với khối phổ thông tư thục ngày 9/7.

Trường tư lo gặp “đại họa” hàng năm

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Marie Curie, nhìn nhận dịch Covid-19 làm không ít trường tư phá sản hoặc đứng trước nguy cơ này. Rất nhiều trường tư thục phải rất cố gắng mới có thể vượt qua.

Trường tư lo khó 'sống' nếu không được dạy trước khai giảng
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Marie Curie. Ảnh: Thanh Hùng

Giờ đây, nếu mỗi năm có 3 tháng nghỉ hè thì đồng nghĩa với việc các thầy cô không có lương trong thời gian đó, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.

Ông Khang ví von “Đặc thù của trường tư là “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Dịch Covid-19 là một đại họa ảnh hưởng đến các trường và đời sống của các giáo viên mà cả thế kỷ mới gặp một lần. Nhưng bây giờ, nếu nghỉ trọn 3 tháng hè thì giống như mỗi năm một “đại họa” lại giáng xuống các trường ngoài công lập”.

Do đó, ông Khang kiến nghị Bộ GD-ĐT giữ nguyên quy định trường tư được phép tựu trường, học trước trường công lập 4 tuần.

Trường tư lo khó 'sống' nếu không được dạy trước khai giảng
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho hay nỗi đe dọa như đang lơ lửng trên đầu các trường ngoài công lập.

“Đến như tôi còn không lãng phí một phút để làm việc thì tại sao trẻ ở lứa tuổi 15-18 vốn đang cần học lại nghỉ đến 3 tháng?” ông Hòa đặt câu hỏi.

Trường tư lo khó 'sống' nếu không được dạy trước khai giảng
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Thanh Hùng

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đoàn Thị Điểm thì cho biết: “Nếu trường tư chỉ dạy chương trình của Bộ thì chẳng ai vào học và chúng tôi cũng không thể tồn tại. Chúng tôi phải có những chương trình riêng và cần thời gian để triển khai”, bà Hiền nói.

Do đó, theo bà Hiền, tựu trường sớm có thể đảm bảo được việc dạy kiến thức, kỹ năng…, cũng như triển khai các chương trình hợp tác quốc tế.

“Đây thực sự là nhu cầu của cha mẹ học sinh khi xác định cho con theo học tại trường, chưa kể việc quản lý trẻ trong thời gian hè”, bà Hiền nói.

Về điều này, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho hay bà không đồng tình việc dạy học trước khai giảng, nhưng ủng hộ các trường đáp ứng nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh.

Bà An cho rằng Bộ GD-ĐT nên đánh giá tác động và đối tượng của việc thay đổi để có tính toán khả thi, không nên quy định cứng nhắc tư thục phải giống như công lập.

Đại diện một số trường ở Hà Nội đã ký vào văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét để có những điều chỉnh phù hợp về thời gian nghỉ hè của khối trường ngoài công lập.

Ngày 9/7, trên Cổng thông tin điện tử Bộ GD-ĐT cho biết, riêng đối với trường tư thục, năm học 2020-2021 vẫn thực hiện quy định theo Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét việc sửa đổi Thông tư này theo hướng phù hợp hơn về thời gian học tập, rèn luyện ở trường và thời gian nghỉ hè của học sinh.

Các trường tư thục cần báo cáo với Sở GD-ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường nhưng cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học 2019-2020 muộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay), qua đó tăng thời gian để tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho học sinh.

Hải Nguyên/VNN

Đọc nhiều