425
category
115023

Trường phổ thông công lập thu học phí cao, ngoài Luật giáo dục

25/07/2019 15:26

Mô hình trường phổ thông công lập tuyển sinh và thu học phí như tư thục đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn.
Ngày 25/7, tại Hà Nội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm: “Trường phổ thông công lập thu học phí cao, tuyển sinh như tư thục ngoài Luật Giáo dục”.

Tới dự buổi tọa đàm có, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo);

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội;

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch hội đồng Hệ thống giáo dục Lômônôxôp Hà Nội; thầy Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kinh Đô, Hà Nội

… cùng nhiều phóng viên báo đài đến tham dự.

Theo các chuyên gia, mô hình trường phổ thông công lập tuyển sinh và thu học phí như tư thục đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn (ảnh Trinh Phúc).

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 quy định nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo 2 loại hình công lập và tư thục, trừ bậc mầm non có thêm loại hình dân lập.

Trong đó, trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

Trường công lập là cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ chính trị, cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản, tập trung chăm lo cho vùng sâu vùng xa, khó khăn và các đối tượng yếm thế trong xã hội, học phí thấp và có các trợ cấp cho các đối tượng chính sách.

Đặc biệt, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 quy định rất rõ: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục;

Ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp (Khoản 2, Điều 17); Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.

Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục;

Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao (Khoản 2, Điều 16).

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Giáo dục 2005 có hiệu lực cho đến nay, thực tiễn vẫn tồn tại loại hình nhà trường mang tên công lập, nhưng lại được tuyển sinh và thu học phí tương tự như tư thục dưới tên gọi trường công lập tự chủ tài chính.

Hà Nội triển khai thí điểm mô hình trường công lập chất lượng cao thu học phí cao, thành phố Hồ Chí Minh cũng thí điểm mô hình trường phổ thông công lập tiên tiến hội nhập khu vực và quốc tế thu học phí cao;

Hà Nội thí điểm mô hình “song bằng” dịch vụ giáo dục thu phí cao vào trường phổ thông công lập, thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai đại trà chương trình tiếng Anh Cambridge / tiếng Anh tích hợp thu học phí cao vào trường công lập.

Mô hình trường phổ thông công lập nhưng lại được tuyển sinh và thu học phí như tư thục không chỉ trái với các quy định trong Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi 2019, mà còn đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn về chính sách với khối tư thục, đặc biệt là về thương hiệu, nghĩa vụ thuế và vốn đầu tư ban đầu.

Vì vậy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm số 2 với chủ đề “Trường công lập thu học phí cao, tuyển sinh như tư thục ngoài Luật Giáo dục”, nhằm mục đích phân tích thực trạng, cơ sở pháp lý và chính sách để phục vụ cho Hội thảo Luật Giáo dục và các loại hình nhà trường ngoài luật, dự kiến tổ chức ngày 30/7/2019, trên cơ sở đó tham mưu, góp ý với các cơ quan quản lý giáo dục, hoạch định chính sách trong việc triển khai Luật Giáo dục sửa đổi sao cho hiệu quả, nhất là việc xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành luật, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Hà Nội các giải pháp hiệu quả và đúng quy định để thực hiện hiệu quả Kế hoạch 44/KH-UBND 2019 nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập.

(Theo Giáo Dục Việt Nam)

Tags :
Đọc nhiều