Trường Gateway không cho giáo viên liên hệ với phụ huynh
Phụ huynh Trương Tất Thành cho hay cha mẹ của học sinh trường Gateway không được lấy số điện thoại của cô giáo chủ nhiệm và ngược lại.
Trao đổi với báo chí tại trường Gateway, Hà Nội, sáng 7/8, ông Trương Tất Thành – Trưởng ban phụ huynh lớp Tokyo, nơi có bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe – cho hay tối qua, ông nhận hung tin và vào viện cùng gia đình nạn nhân.
Mối liên kết giữa phụ huynh và nhà trường lỏng lẻo
Theo ông Thành và nhiều phụ huynh, mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh rất lỏng lẻo. Khi đưa con đến lớp học, gia đình nạn nhân mới biết tên cô giáo chủ nhiệm.
Trường quy định phụ huynh không được lấy số điện thoại cô giáo chủ nhiệm và ngược lại, cô giáo cũng không có số của cha mẹ học sinh. Sự việc xảy ra khiến nhiều người đau lòng, phẫn nộ.
Vị trưởng ban phụ huynh đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao người phụ trách học sinh, tài xế xuống ôtô, đóng cửa, mà không biết còn sót lại một đứa trẻ? Tại sao suốt một ngày mà cô giáo chủ nhiệm không phát hiện thiếu một học sinh, trong khi lớp của cháu bé chỉ có 17 em?
Trước đó, nhà trường quy định phụ huynh sử dụng phần mềm của trường để trao đổi thông tin. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng làm được điều này. Có người nhiều tuổi, không sử dụng smartphone, sẽ không có sự liên hệ nào cả.
Một phụ huynh lớp 1 Singapore cho biết ngày 7/8, lớp này có 14 trong tổng số 22 học sinh nghỉ học. Vị phụ huynh này chia sẻ thêm gia đình tự đưa đón con đi học, chứ không theo xe đưa đón của trường.
Mặc dù là trưởng ban phụ huynh của lớp, đến ngày học thứ hai, ông Thành vẫn chưa nắm được quy trình đưa đón, tiêu chuẩn xe, cũng như đơn vị cung cấp.
Xác nhận điều này, phụ huynh Nguyễn Phương Lan nói với Zing.vn tại cổng trường Gateway rằng thông thường, giáo viên sẽ liên hệ với phụ huynh qua điện thoại nhưng ở ngôi trường này thì khác. Mọi hoạt động kết nối với phụ huynh đều phải thông qua giáo vụ.
Bà Phạm Thị Miên – một phụ huynh khác – cũng băn khoăn khi phát hiện trẻ nghỉ học, nhà trường cần thông tin nhanh nhất đến bố mẹ, tại sao lại chậm trễ như vậy? Nhà trường cần nghiêm túc thay đổi quy trình tiếp nhận trẻ.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng mối liên hệ giữa thầy cô và cha mẹ rất quan trọng. Trong tuần đầu con đi học, phụ huynh cần nói chuyện, tâm sự với cô về con để giáo viên hiểu.
“Cần người có nghiệp vụ sư phạm đưa đón học sinh”
Ông Nguyễn Thành Trung – người công tác lâu năm trong ngành giáo dục – cho hay ở vụ việc em bé tử vong ở trường Gateway, vấn đề lớn nhất là con người. Gateway đã sai và có thể rất nhiều trường đang sai ở vai trò cô nuôi, cô bán trú, nhân viên giám sát đi theo xe.
Theo biên chế, một trường có nhiều nhất 10-15 giáo viên đi theo ôtô đưa đón, mỗi người đi một xe. Giả sử một trường có 30-40 xe, ai sẽ là người đưa đón học sinh?
“Đa số giáo viên, nhân viên không muốn theo xe đưa đón. Họ chỉ muốn về nhà thật nhanh. Ban giám hiệu và nhà trường phải rất có uy, trả chế độ khá, lực lượng chuyên môn mới theo xe về. Đó cũng là lý do khiến người theo xe thường là thuê mướn, tạp nham”, ông Trung nói.
Từ phân tích đó, người này cho rằng yếu tố tiên quyết là có người đạt trình độ, nghiệp vụ sư phạm đi theo xe đưa đón học sinh. Thậm chí, về quy trình kiểm tra, chỉ giáo viên giám sát và lái xe kiểm tra là chưa đủ. Công việc này cần bảo vệ, thanh tra, ban giám hiệu nhận thông tin khi đến và khi về.
“Thời buổi kim tiền, ai cũng mở trường được và mở trường khi chưa có kinh nghiệm vận hành sẽ gây hậu quả quá đắt”, ông Trung nêu quan điểm.
Chuyên gia này cho rằng ở cấp tiểu học, học sinh cần xếp hàng và thực hiện 3 vòng. Giáo viên giám sát trẻ lên xe để kiểm tra, lái xe kiểm tra lại và sau đó bảo vệ trường rà soát một lần nữa. Ở bậc trung học, học sinh nên được phát số, lái xe sẽ điểm danh và khi phát hiện bất thường xe không được phép lăn bánh.
(Theo Zing News)