Trung ương góp ý đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM
Lần đầu tiên, lãnh đạo TP.HCM làm việc trực tiếp tại Bộ Nội vụ với sự tham dự của nhiều cơ quan Trung ương để góp ý vào đề án chính quyền đô thị và thành lập Thành phố Thủ Đức.
Hôm nay (11/9), Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị góp ý đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM và Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Đây là hội nghị đầu tiên, TP.HCM xin ý kiến của các cơ quan Trung ương góp ý cho các đề án này.
Tham dự Hội nghị, có đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ.
Thành phố trong thành phố
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của Thành phố.
Đây là mô hình “thành phố trong thành phố”, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sẽ đưa nơi đây trở thành “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Căn cứ kết quả nghiên cứu và cơ sở hạ tầng hiện tại, các định hướng, quy hoạch trong tương lai, nơi đây kỳ vọng đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.
Sau khi thành lập Thành phố Thủ Đức, TP.HCM sẽ không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, chỉ thay đổi về cơ cấu, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện: giảm 3 quận (2, 9, Thủ Đức), tăng 1 Thành phố với quy mô diện tích hơn 211 km², dân số hơn 1.013.000 người.
Thành phố Thủ Đức sẽ giảm 2 phường còn lại 34 phường; là mô hình chính quyền cấp huyện gồm có HĐND và UBND TP Thủ Đức; mô hình tổ chức chính quyền phường của Thành phố Thủ Đức không tổ chức HĐND phường, chỉ có UBND phường là cơ quan hành chính làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân khẳng định, việc thành lập Thành phố Thủ Đức phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thực hiện chế độ tiền lương mới. Sau khi sắp xếp, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Bổ sung phương án tổ chức, sắp xếp bộ máy
Đại diện Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM và thành lập Thành phố Thủ Đức phù hợp với các văn bản của pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn vấn đề có nên thực hiện ngay hay phải thí điểm.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, tiêu chuẩn phân loại đô thị đối với Thành phố Thủ Đức chưa được đề cập trong đề án,TP.HCM cần bổ sung nội dung này. Một số ý kiến đề nghị TP.HCM có thể sắp xếp, sáp nhập thêm một số phường có diện tích nhỏ và quy mô dân số ít để đảm bảo tinh gọn bộ máy hơn khi thành lập Thành phố Thủ Đức..
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị TP.HCM nghiêm túc tiếp thu các ý kiến và khẩn trương hoàn thiện các đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đúng tiến độ.
Việc thành lập Thành phố Thủ Đức cần xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021. Đồng thời, TP.HCM cần bổ sung đánh giá tác động; bổ sung phương án tổ chức, sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức.
Về đề án tổ chức Chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố có khoảng trên 9 triệu dân sinh sống, học tập và làm việc, với quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước.
Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền Thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, DN nhanh và chính xác, được thi hành kịp thời, đồng bộ, hạn chế việc các cấp trung gian diễn đạt và hướng dẫn lại.
Để đáp ứng đòi hỏi bộ máy quản lý của chính quyền đô thị, phù hợp với đặc thù đô thị, TP.HCM xây dựng đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị nhằm giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, theo mô hình chính quyền đô thị, chính quyền Thành phố gồm có HĐND và UBND; chính quyền tại các quận là UBND quận; chính quyền tại các phường là UBND phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP.HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thu Hằng/ VNN